Ngày ấy, mùa cấy hái vất vả lắm. Tháng Chạp rét cắt da cắt thịt hay nắng như đổ lửa, ai cũng ra đồng cày cấy từ 3, 4 giờ sáng đến tận lúc nhọ mặt người. Thế nên mới có câu: “Một nắng, hai sương”. Trước khi cấy vài ngày, người ta thường tranh thủ chọn những cây tre bánh tẻ chẻ lạt, ngâm xuống ao cho dai để bó mạ. Hầu hết các gia đình, người lớn và trẻ con ra đồng hết. Mỗi người một việc. Người nhổ mạ, người bừa, người cấy. Cảnh thuận hòa, hạnh phúc đã được khắc họa trong bài ca dao“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”.
Ngày ấy toàn giống lúa cũ nên đon mạ cao hàng nửa mét. Khi cấy, người ta phải xén bớt khoảng gang tay. Để tranh thủ cấy cho kịp thời vụ, người ra đồng không về ăn cơm mà có con cái mang cơm ra tận đồng. Nhà tôi cũng vậy. Bao giờ bà nội tôi cũng úp cho mẹ tôi bát cơm đầy, vài củ khoai lang luộc và ít tép riu đỏ au cùng chai nước vối còn nóng. Còn bà, thường chỉ ăn mấy củ khoai luộc. Nghe bà bảo: “Thích ăn khoai”, chị em tôi cũng tin. Có khi bà bị nghẹn ứ cổ. Giờ tôi vẫn ân hận về sự vô tâm của mình.
Mang cơm cho mẹ là công việc tôi rất thích vì trong lúc chờ mẹ ăn, tôi được nhởn nhơ chơi cùng lũ bạn trên bờ đê, được thả hồn trong không gian khoáng đạt của đồng quê. Đi từ xa, tôi đã nhận ra mẹ đang lom khom cấy, đôi tay thoăn thoắt. Cũng như mọi người, mẹ tôi khoác chiếc áo tơi chống lại cái nắng gay gắt của giữa mùa hè. Càng thấm thía lời thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Những trưa tháng 6 chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ mẹ em xuống cấy”. Những tưởng chỉ có ngày ấy mới như vậy, nhưng bây giờ nhiều nơi bà con vẫn dùng áo tơi ra đồng khi nắng lửa, lúc mưa dầu. Nhìn mặt mẹ đỏ gay, thấy lòng xa xót.
Mùa rét cắt da thịt, ai cũng nhịn đói ra đồng làm việc cật lực. Cứ 7, 8 giờ là nhà ai cũng có người mang cơm. Mấy nhà ruộng gần nhau nên ngồi dồn vào một chỗ vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả. Rồi họ san sẻ cơm hay thức ăn cho nhau. Nhà nào tương đối thì có bát cơm độn. Nhiều nhà quanh năm đói kém thì chỉ có bát bo bo hay ngô xay bung ăn với rau muống luộc chấm mắm cáy. Bụng đói, cật rét. Lưng cơm độn lỏm loi không đủ làm vơi đi cái rét nên nhiều người ăn xong vội thổi bùi nhùi lấy lửa hút thuốc lào cho ấm. Ngày ấy chỉ có thế!
Giờ cuộc sống người nông dân đã khấm khá hơn. Họ không phải dậy từ sớm ra đồng với cái bụng rỗng như trước. Máy móc đã thay cho sức người. Tiếng máy làm cho cánh đồng thêm rộn rã. Cánh đồng mẫu lớn do dồn điền đổi thửa giúp họ không còn đi cấy đồng xa như những năm xưa. Phong trào xây dựng nông thôn mới đang làm cuộc sống làng quê thay da đổi thịt.
Có những mùa cấy, cây lúa chưa kịp bén rễ, bão lụt ập đến, mưa như trút nước, khiến lúa úng chết. Bây giờ cũng vậy, những người làm ra hạt ngọc, hạt vàng vẫn phải chống chọi với thiên tai ngày càng khắc nghiệt như lũ bão hay hạn mặn... Cơn bão số 1 mở đầu mùa bão năm nay đã “càn quét” nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến bà con nông dân nhiều địa phương thiệt hại nặng về lúa má, rau màu. Thế nên càng thấm thía lời ca dao: “Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm/ Trông cho chân cứng, đá mềm/ Trời êm, biển lặng mới yên tấm lòng”.