Nhang là cách gọi khác của hương. Đến nay, vẫn chưa ai biết nhang ra đời từ bao giờ. Chỉ biết, về mặt tâm linh, người xưa nghĩ rằng dùng nhang là cách thức để tỏ lòng hiếu, để giao lưu giữa hai cõi âm-dương, cầu khấn tâm linh mong cho gia đình gặp nhiều điều tốt lành, may mắn.
Hồi nhỏ, sau những giờ tan học, tôi thường phụ gia đình chẻ chân nhang, se bột nhang, phơi nhang thành phẩm. Vào mùa mưa, công việc làm nhang càng vất vả vì phải chống chọi với thời tiết âm u, mưa bão. Nhang bị ướt vì chuyển vào nhà không kịp là chuyện bình thường.
Làm nghề nhang thì việc đầu tiên là phải chẻ chân nhang. Chân nhang làm bằng cây tre, cây nứa chắc, không non yếu cũng không quá già. Kế đến là làm bột nhang. Bột để se nhang được làm từ vỏ cây ô-đước phơi khô, rồi dùng cối đá mà giã nát ra thành bột mịn. Bột mịn nhuyễn gọi là bột áo để bao phía ngoài nén nhang. Còn bột to (gọi là bột hồ) để se phía trong thì phải dùng gỗ mục tán và rây thật nhỏ. Khi chế loại nhang thơm hay là nhang thẻ thì phải dùng gỗ trầm, gỗ bạch đàn, quế chi, chẻ và tán nhỏ rồi rây kỹ. Ngoài ra phải dùng đến phẩm màu: Màu đỏ nhuộm chân nhang; màu vàng tươi, vàng sẫm thì nhuộm bột nhang.
Lúc se nhang thì lấy một cái bàn độ dài 2 thước, trên bàn để 3 loại bột: bột hồ ô-đước; bột nửa hồ nửa áo; một phần bột hồ và hai phần bột áo (nếu muốn làm nhang thơm thì thay bằng bột gỗ cây trầm). Khi trộn, nhồi bột rồi thì lấy tay mà se bột thành mảng dài như đuôi chuột. Lấy một que nhang mà đặt cái đuôi chuột bằng bột ấy rồi lăn cho bột bọc kín lấy chân nhang. Muốn se cho đều và nhang được tròn thì lấy một miếng cây dẹp, ngang 10 phần, dọc 20 phân, dày 1 phân, phía lưng có núm cầm, cầm cái núm ấy mà lăn lên mình cây nhang, lăn đi lăn lại vài lần cho tròn và nhẵn. Khi nhang đã nhẵn rồi thì vùi vào đống bột áo khô se lại lần nữa để cho bột ăn vào cây nhang, như vậy cây nhang mới đẹp, mùi thơm ngát. Se xong đem phơi nắng cho khô rồi đóng gói.
Khách phương xa đến làng tôi thường ví von rằng: “Cứ hễ bước vào cổng làng là đã biết nơi đây làm nghề nhang rồi”. Bởi cái hương trầm đặc trưng bay xa, phảng phất, không lẫn vào đâu được. Mùa này, nếu leo lên cây cao trong làng nhìn xuống sẽ thấy rõ toàn cảnh làm nhang. Một màu vàng, màu đỏ hiện ra rực rỡ. Dưới bóng mặt trời của trưa ngọ, những tia nắng chói chang tán sắc màu nhang tạo ra nhiều màu óng ánh, thích mắt. Người lớn gọi nhau í ới, chạy tới, chạy lui, lăng xăng không nghỉ chân. Họ bận rộn đến mức quên cả việc chăm sóc trẻ con, để mặc chúng tự nấu cơm, làm đồ ăn, tự tắm rửa, giặt giũ. Các tiệm tạp hóa, nhà chùa, người bán dạo đến mua nhang nườm nượp. Trẻ con thường trêu người lớn rằng họ có “đôi tay vàng”. Nếu hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng đều hợp lý: Họ luôn lao động cần cù và đôi tay họ lúc nào cũng vàng khè vì màu nhang.
Giờ những hình ảnh về làng nhang chỉ còn là ký ức. Vì phiêu bạt xứ người, vì kinh tế khó khăn và vì nhiều lý do khác nên lần lượt người dân nơi đây bỏ nghề nhang. Có số ít làm nhang theo kiểu thị trường, tức là thay vì dùng trầm để tạo hương, người ta dùng chất hóa học tạo mùi để sinh lợi nhuận cao. Nhưng những kiểu làm ăn dối trá ấy từ từ cũng lụi tàn vì khách hàng thưa dần.
Tôi ưa thích cái cảm giác quây quần bên gia đình lắng nghe tiếng chuông chùa ngân vang và hít thật sâu cái mùi trầm thơm ngát. Cũng chính cái mùi trầm ấy đã đi suốt tuổi thơ tuổi, cho tôi những ý ức tươi đẹp, nuôi tôi khôn lớn nên người.
Nguyễn Hoàng Duy