Ngày trước ở quê, người già thường ăn trầu, ăn ngon như ăn sự tích của nó. Đó là câu chuyện thương tâm của hai anh em nhà họ Cao giống nhau như đúc. Người anh nghi em có tình ý với vợ mình khi gặp họ ôm chầm lấy nhau vì lầm. Người em buồn bã ra đi đến khi kiệt sức thì chết và hóa thành đá vôi. Người anh đi tìm cũng kiệt sức và chết bên hòn đá đó và thành cây cau.
Vợ đi tìm chồng cũng chết ở đó và thành dây trầu quấn chặt cây cau. Khi vua Hùng đi qua biết chuyện liền cho đem trộn ba thứ đó lại thì thấy chúng chuyển dần sang màu đỏ như máu lại có mùi hương thơm thơm. Nhai thử thấy cay nồng và ngọt. Từ đó vua ra lệnh cho mọi nơi phải trồng, tất cả trai gái khi kết hôn phải có ba món đó là trầu, cau và vôi để nhắc nhớ về mối tình son sắt nhưng éo le kia. Cho đến bây giờ trầu cau vẫn là thứ không thể thiếu trong việc cưới hỏi của người Việt.
Với ngoại, bốn nghìn năm "lệnh vua" vẫn còn hiệu lực. Bà chăm chút dây trầu từng li từng tí, từng ngày. Nhổ cỏ, bón phân và tưới nước sạch cho nó. Bà bảo: “Trầu cũng như người, cũng cần sạch sẽ, tinh khiết. Hơn nữa nó là lễ vật để cúng bái, giỗ chạp nên không thể chăm bón, tưới tiêu bằng những thứ bẩn được”.
Tôi cũng tin điều đó và rất tâm đắc về lời nói của bà khi nhìn vào những lá trầu xanh mơn mởn, cong mình đón gió, đón ánh mặt trời. Với hình tim, lá trầu như muốn khẳng định tình yêu chung thủy, sắt son của mình. Dẫu có héo úa thì bã vẫn màu đỏ thắm khi nhai với cau và vôi.
Giờ thì ngoại không còn nhưng giàn trầu của ngoại vẫn còn đó vì mẹ tôi đã thay ngoại chăm chút, vun bón. Tuy mẹ tôi không ăn trầu nhưng giàn trầu vẫn không rợp lá vì mẹ năng hái và biếu cho chòm xóm, láng giềng.
Về ngồi dưới giàn trầu, tuổi thơ bỗng dưng ập đến. Này là nơi chơi ô ăn quan, chơi đồ hàng. Kia là chỗ trồng hoa trồng nụ, thảy đá, nhảy dây… Giận hờn buồn vui cũng có, xếp thứ tự, lớp lang trở về. Tất cả còn vẹn nguyên trong ngăn ký ức. Lòng tôi lại nôn nao, lại thoảng buồn vì ngoại không còn, vì bè bạn đã xa.