Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, lực lượng phản ứng nhanh của EU mang tên "Năng lực triển khai nhanh của EU", được tạo thành từ các bộ phận trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời có thể hoán đổi với bất kỳ lực lượng thường trực nào tùy thuộc vào cuộc khủng hoảng. Các bộ trưởng quốc phòng EU đã thảo luận về kế hoạch này với mục tiêu sẽ đưa ra được văn bản cuối cùng vào tháng 3/2022.
Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nhấn mạnh dự án đầy tham vọng của EU được gọi là “La bàn chiến lược” yêu cầu toàn khối phải “nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và linh hoạt hơn để thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ quản lý khủng hoảng quân sự”. Theo ông, EU phải có khả năng ứng phó với các mối đe dọa sắp xảy ra hoặc phản ứng nhanh với tình huống khủng hoảng, như nhiệm vụ cứu hộ và sơ tán hoặc hoạt động ổn định trong môi trường thù địch.
“La bàn chiến lược” là sản phẩm gần nhất mà EU có thể có trong học thuyết quân sự và tương tự như "Khái niệm chiến lược" của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ lãnh đạo đặt ra các mục tiêu liên minh. Điều quan trọng đối với EU là các quốc gia cam kết "cung cấp các tài sản liên quan và các yếu tố hỗ trợ chiến lược cần thiết". Điều này đồng nghĩa với việc phát triển khả năng hậu cần, vận tải hàng không tầm xa và khả năng chỉ huy và kiểm soát của Mỹ mà các đồng minh châu Âu của NATO đã dựa vào.
Năm 2022 sẽ là “năm quốc phòng châu Âu”. Theo đánh giá, để khắc phục những thiếu sót trong quyền tự chủ chiến lược của khối, EU cần kết hợp các lực lượng, đồng thời tăng cường năng lực cũng như ý chí, hành động giữa các nước thành viên.