Tomahawk sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực tấn công tầm xa của Nhật Bản đồng thời dánh dấu mốc chấm dứt truyền thống trong thời gian dài của Tokyo là tránh vũ khí tấn công. Nhưng nguồn tin của Washington Post cho biết phía Nhật Bản vẫn chưa đưa ra đề nghị chính thức mua vũ khí này.
Theo Washington Post, Nhật Bản hướng đến Tomahawk trong bối cảnh chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia mới ra mắt trong tháng này và Thủ tướng Fumio Kishida vào tháng 11 ngỏ ý đến năm 2027 tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP (Tổng sản phẩm nội địa). Những diễn biến này là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản dần xa rời ràng buộc liên quan đến chủ nghĩa hòa bình đã diễn ra trong thời gian dài.
Cựu Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, ông Ichiro Fujisaki nhận định: “Nhật Bản muốn hạn chế chi tiêu quốc phòng và cố không đạt "năng lực tấn công lần hai" – dùng vũ khí hạt nhân đáp trả lại cuộc tấn công bằng vũ khí này. Tuy nhiên, tình hình xung quanh Nhật Bản đã dẫn đến thay đổi”.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden rất ủng hộ việc Nhật Bản mua tên lửa và tăng ngân sách quốc phòng. Các quan chức Mỹ coi việc đẩy mạnh liên minh với Nhật Bản nằm trong chiến lược lớn về hợp tác khu vực để tăng cường an ninh.
Nguồn tin của Washington Post cũng đánh giá quyết định của Nhật Bản mua 400-500 tên lửa Tomahawk sẽ khiến Trung Quốc và Triều Tiên chú ý rằng Nhật Bản đang nghiêm túc về phòng vệ và mối quan hệ Washington-Tokyo đang phát triển mạnh mẽ.