Vào tháng 1/2022, một tháng trước khi cuộc xung đột toàn diện với Nga bùng nổ, Lực lượng Phòng thủ lãnh thổ (TRF) Ukraine đã được thành lập thành các trung tâm khu vực. Các đơn vị TRF, không giống như quân đội chính quy, tập trung vào các ngày cuối tuần tại các nhà máy bỏ hoang để huấn luyện bằng vũ khí thật hoặc vũ khí mô phỏng về các kỹ năng quân sự như phối hợp, tấn công, tuần tra, phòng thủ và rút lui.
Khi đó, một số bài đăng trên truyền thông đã chế giễu hình ảnh khoảng 50 người đàn ông tham gia vào một khóa huấn luyện thô sơ bằng cách sử dụng mô hình súng AK bằng gỗ. Tuy nhiên, tiếng cười sớm kết thúc, vì chính những người bảo vệ lãnh thổ này đã chống lại sức mạnh của quân đội Nga trong những ngày đầu của cuộc xung đột, thay vì các đơn vị chính quy của Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU). Chính các đơn vị phòng thủ lãnh thổ là lực lượng chủ chốt đẩy lùi các đoàn quân Nga đầu tiên tiến gần Kiev và các tỉnh Chernihiv, Sumy, Shostka, Kharkiv, Mykolaiv, Kherson.
Những cuộc tấn công đầu tiên của những người lính bán thời gian này đã khiến đối phương bất ngờ và rơi vào tình trạng mất tổ chức, cho phép lực lượng chính quy của Ukraine tổ chức phòng thủ hiệu quả hơn trước một đối thủ vượt trội về số lượng.
Volodymyr, một người lính của một trong những Đơn vị Phòng thủ lãnh thổ (TDU) Chernihiv nhớ lại: "Chúng tôi đã tham gia trận chiến ở phía Bắc Chernihiv vào ngày đầu tiên hoặc ngày thứ hai của cuộc chiến. Chúng tôi chỉ có một 'chiếc ủng' (tức súng phóng lựu chống tăng gắn chân máy LNG -9) cho mỗi trung đội, nhưng chúng tôi vẫn xoay sở để phá vỡ đoàn xe đầu tiên của Nga đột phá vào thành phố. Tất nhiên, khi pháo binh và không quân của họ đến, mọi thứ trở nên rất khó khăn. Sau đó, pháo binh của chúng tôi vào thời điểm đó bắt đầu tấn công họ bằng vũ khí hạng nặng”.
Tuy nhiên, sau những tháng đầu tiên ngăn chặn chiến dịch tấn công của Nga, mọi thứ không diễn ra tốt đẹp với các TDU. Nhiều lữ đoàn lãnh thổ không còn chiến đấu như những đơn vị thống nhất đơn lẻ nữa mà các tiểu đoàn của họ trở thành lực lượng được ghép với các đơn vị khác. Ở nhiều khu vực của mặt trận, binh lính TDU đã phải chịu tổn thất do thiếu vũ khí hạng nặng.
Đầu tháng 10/2024, lực lượng Ukraine buộc phải rời khỏi Vuhledar vì một trong những tiểu đoàn thuộc lữ đoàn TDF 123 đã rời khỏi vị trí phòng thủ do thiếu vũ khí, đạn dược.
Lịch sử ra đời
Ý tưởng thành lập TRF xuất hiện vào năm 2008, nhưng đến năm 2014, các tiểu đoàn TRF đầu tiên mới được thành lập. Đây là thời kỳ hoàng kim của các đội hình tình nguyện và ý tưởng này được xã hội đón nhận nồng nhiệt. Ngay từ năm 2018, quá trình chuyển đổi sang hệ thống "lữ đoàn khu vực" đã diễn ra, dẫn đến việc thành lập 25 lữ đoàn TRF đầu tiên - một lữ đoàn cho mỗi đơn vị hành chính của Ukraine.
Tuy nhiên, việc thành lập các lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ không có nghĩa là phải bổ sung người vào đó. Việc tuyển dụng vào các lữ đoàn diễn ra từ từ – gồm những cá nhân tình nguyện và tận tâm, đôi khi là doanh nhân, thợ săn, cảnh sát đã nghỉ hưu... Trong tháng trước cuộc xung đột số lượng thành viên TRF đã vượt quá 100.000 người.
Ở một số nơi, như Kiev hoặc Chernihiv, có những đơn vị ổn định và được huấn luyện tốt đã trải qua nhiều tháng huấn luyện thường xuyên, trong khi ở những khu vực khác, như Kherson, các đơn vị mới thành lập phải chật vật để tiếp nhận và sử dụng được vũ khí. Vấn đề này vẫn tồn tại ngay cả trong cuộc xung đột, dẫn đến các hành động không hiệu quả của TRO ở Kherson.
“Tuy nhiên, vào đầu cuộc chiến, các TDU đã hoàn thành nhiệm vụ của mình - nơi họ được triển khai, kẻ thù không thể hoặc mất nhiều thời gian để chiếm được các lãnh thổ, mà sau đó được Ukraine giành lại, như ở các vùng Chernihiv, Kiev, Kharkov, khu vực gần Sumy và Shostka. Nơi các TDU không có thời gian để triển khai, như ở Melitopol, thì các hành động của quân đội Nga đã thành công hơn.
Tình hình thay đổi
Vào đầu tháng 1/2022, TRF được tuyên bố là một nhánh riêng biệt của Lực lượng Vũ trang Ukraine. Những đơn vị này được coi là các đơn vị bộ binh hạng nhẹ vì họ không có vũ khí hạng nặng hoặc xe bọc thép, di chuyển bằng xe không bọc thép, thường là xe dân sự. Người ta cho rằng họ chủ yếu sẽ thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ ở địa phương.
Mặc dù điều này cho phép các đơn vị triển khai nhanh chóng nhưng với tư cách là bộ binh được trang bị vũ khí hạng nhẹ, họ không thể chống lại lực lượng đối phương được trang bị đầy đủ vũ khí và thiết bị trong thời gian dài.
“Điểm mấu chốt là bạn ngồi trong chiến hào và chỉ thấy súng cối và UAV thả bom, nghĩa là bạn trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công của kẻ thù. Về nguyên tắc, đây là nhiệm vụ của bộ binh. Nhưng vấn đề là chúng tôi chỉ là bộ binh hạng nhẹ. Rất khó để xử lý hậu cần bằng xe không bọc thép và cũng khó khăn nếu không có đơn vị pháo binh hoặc UAV của riêng mình”, Andrii, một tình nguyện viên trong lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ đã chiến đấu từ những ngày đầu của cuộc chiến, cho biết.
Tương lai của bộ binh hạng nhẹ Ukraine
Có vẻ như lựa chọn hiển nhiên là trang bị vũ khí cho các TDU ở cùng cấp độ với các đội hình cơ giới khác. Vấn đề là các đội hình này cũng cần được bổ sung thành viên.
Thậm chí đã có những lời kêu gọi giải tán TRF và sáp nhập chúng vào các lữ đoàn hiện có. Theo chuyên gia quân sự Anton Holoborodko, bộ binh hạng nhẹ vẫn có thể hoạt động hiệu quả trong các cuộc tranh giành vị trí, điều quan trọng là sử dụng nó một cách hợp lý.
"Đó là một công cụ. Mỗi công cụ đều có mục đích của nó. Không cần phải giải tán bất cứ thứ gì, chúng ta chỉ cần sử dụng bộ binh hạng nhẹ ở nơi nó hiệu quả. Mọi người đang thảo luận về một số trường hợp mà nó không hiệu quả, nhưng hiện tại, có nhiều khu vực trên mặt trận mà lực lượng phòng thủ lãnh thổ đang chiến đấu thành công, cứu các lữ đoàn được trang bị vũ khí hạng nặng của Lực lượng vũ trang Ukraine", ông Holoborodko cho biết.