Theo Bloomberg ngày 2/2, làn sóng tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu Nga đang ngày càng đe dọa khả năng duy trì sản xuất nhiên liệu bình thường của Moskva. Chỉ trong 8 ngày qua, Ukraine đã nhắm mục tiêu vào ít nhất 3 nhà máy lọc dầu lớn ở miền Trung và miền Nam nước Nga, cùng một trạm bơm trên tuyến xuất khẩu dầu thô quan trọng.
Tác động ngắn hạn và dài hạn
Theo Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại công ty phân tích năng lượng Kpler, công suất lọc dầu của Nga hiện có thể đã giảm xuống còn 5,2-5,3 triệu thùng mỗi ngày - tương đương mức thấp điểm thường thấy vào mùa xuân và mùa thu khi các nhà máy tiến hành bảo dưỡng định kỳ.
Trong số các cơ sở bị tấn công, nhà máy lọc dầu Ryazan của Rosneft PJSC, cách Moskva khoảng 200 km về phía Đông Nam, đã phải ngừng hoạt động. Vụ tấn công mới khác nhắm vào nhà máy Volgograd của Lukoil PJSC diễn ra cuối tuần trước, tuy nhiên mức độ thiệt hại vẫn chưa được xác định rõ.
Sergey Vakulenko, cựu Giám đốc điều hành ngành dầu mỏ Nga và hiện là học giả tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định tình hình hiện tại vẫn trong tầm kiểm soát. Theo ông Vakulenko, việc một số nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động trong vài tuần là điều mà ngành công nghiệp dầu mỏ và nền kinh tế Nga có thể duy trì được, dựa trên kinh nghiệm năm ngoái.
Chuyên gia Vakulenko cũng cho biết các nhà máy lọc dầu lân cận ở Moskva, Yaroslavl và Kstovo có thể bù đắp được phần thiếu hụt từ nhà máy Ryazan. Tuy nhiên, việc đánh giá chính xác tác động của các cuộc tấn công gặp khó khăn do chính phủ Nga đã giữ bí mật dữ liệu về sản lượng và xuất khẩu dầu thô từ năm 2022.
Chiến lược của Ukraine
Các quan chức Ukraine khẳng định mục tiêu chính của chiến dịch tấn công mới trên là nhằm cắt nguồn cung cấp nhiên liệu cho quân đội Nga và làm suy yếu khả năng sản xuất, xuất khẩu dầu của Moskva - nguồn thu ngân sách quan trọng của nước này.
Khi cuộc chiến chuẩn bị bước sang năm thứ tư, Kiev đã tăng cường đáng kể số lượng UAV tấn công vào lãnh thổ Nga, không chỉ nhắm vào cơ sở năng lượng mà còn cả các nhà máy sản xuất đạn dược. Đây được xem như một đòn đáp trả sau khi Nga liên tục tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine, gây mất điện diện rộng ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực.
Nga, với tư cách là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, đang phải đối mặt với những thách thức. Bên cạnh các cuộc tấn công của Ukraine, nước này còn chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt phương Tây.
Vào ngày 10/1 vừa qua, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay đối với ngành dầu khí Nga, đưa Gazprom Neft PJSC, Surgutneftegas PJSC và phần lớn đội tàu vận chuyển dầu thô vào danh sách đen. Tuy nhiên, Nga vẫn duy trì được dòng chảy xuất khẩu nhờ chuyển hướng sang các thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Với việc Ukraine có thể tiếp tục tăng cường các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng, cùng với áp lực từ các lệnh trừng phạt quốc tế, khả năng duy trì sản xuất nhiên liệu ổn định của Nga trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn.