Theo chuyên gia Ulrike Franke, nghiên cứu viên chính sách cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR), cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đưa thiết bị bay không người lái (UAV) trở thành một trong những vũ khí then chốt trên chiến trường. Quy mô sử dụng UAV ở Ukraine đã tạo ra những bài học quý giá cho phương Tây trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ này trong tương lai.
Quy mô chưa từng có
Ukraine đã đặt mục tiêu đầy tham vọng về sản xuất UAV. Từ con số 1 triệu UAV vào đầu năm 2024, mục tiêu này đã được nâng lên 2 triệu vào tháng 3 và đến tháng 10/2024, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine có khả năng sản xuất tới 4 triệu UAV mỗi năm. Nga cũng đang đẩy mạnh năng lực sản xuất để bắt kịp đối thủ.
Hiện có khoảng 100 loại UAV khác nhau đang được sử dụng tại Ukraine, từ các thiết bị nhỏ gọn cho đến những mẫu lớn với sải cánh gần 20 mét. Các UAV này được sử dụng đa dạng: thu thập tin tình báo, tấn công mục tiêu, làm mồi nhử để đánh lạc hướng phòng không đối phương, truyền tin hiệu, vận chuyển thiết bị và thậm chí cả rải mìn. Dưới đây là một số bài học cho phương Tây liên quan đến vấn đề trên.
Bài học thứ nhất: Không phải lúc nào cũng giống Ukraine. Mặc dù UAV đã chứng tỏ hiệu quả vượt trội tại Ukraine, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng điều này có thể không lặp lại trong các cuộc xung đột tương lai. Yếu tố địa hình, thời tiết và khả năng tiếp cận UAV dân sự có thể khác biệt đáng kể. Đặc biệt trong các cuộc đối đầu liên quan đến Trung Quốc - nơi sản xuất phần lớn UAV dân sự toàn cầu, việc tiếp cận các thiết bị này có thể bị hạn chế.
Bài học thứ hai: Khả năng mở rộng và thích ứng nhanh. Kinh nghiệm từ Ukraine cho thấy các loại UAV có thể nhanh chóng mất đi tính hữu dụng. Điển hình như UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ - từng được ca ngợi trong giai đoạn đầu xung đột, nay đã không còn đóng vai trò quan trọng do sự phát triển của hệ thống phòng không đối phương.
Bài học thứ ba: Giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Một thực tế đáng lo ngại là sự phụ thuộc của ngành công nghiệp UAV vào các linh kiện Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc hiện nắm giữ thị phần áp đảo trong lĩnh vực UAV dân sự, với DJI chiếm tới 2/3 thị trường toàn cầu từ năm 2016. Ukraine, dù đang nổi lên như một cường quốc về UAV, vẫn phải phụ thuộc vào linh kiện Trung Quốc - từ các chi tiết nhựa giá rẻ đến động cơ và thiết bị truyền hình ảnh.
Bài học thứ tư: Sự tham gia của dân thường. UAV đã tạo ra một hiện tượng đặc biệt: sự tham gia trực tiếp của dân thường vào lĩnh vực quân sự. Với chi phí thấp và khả năng cải tiến dễ dàng, người dân có thể đóng góp thông qua các chiến dịch gây quỹ cộng đồng để mua UAV hoặc trực tiếp tham gia phát triển công nghệ này. Đơn vị UAV Aerorozvidka là một ví dụ điển hình, khi các tình nguyện viên dân sự đã phát triển hệ thống UAV riêng và sau đó được quân đội Ukraine sử dụng chính thức.