Tuần trước, hai quốc gia láng giềng đều sở hữu vũ khí hạt nhân này đã tuyên bố kế hoạch rút binh lính, xe tăng và các phương tiện khỏi khu vực quanh hồ băng Pangong Tso ở vùng Ladakh. Hồ băng kể trên đã trở thành tâm điểm tranh chấp kéo dài nhiều năm giữa Bắc Kinh và New Delhi.
Hình ảnh vệ tinh chụp một số khu vực trên bờ phía Bắc của Pangong Tso hôm 16/2 do hãng Maxar Technologies cung cấp cho thấy nhiều trại quân sự của Trung Quốc, xuất hiện tại đây từ cuối tháng 1/2021, đã bị dỡ bỏ.
Một quan chức Ấn Độ tiết lộ với hãng tin Reuters: “Phía chúng tôi cũng đang tiến hành việc tháo dỡ tương tự”. Quan chức này yêu cầu giấu tên do không được phép cung cấp thông tin với truyền thông.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh phát biểu tại Quốc hội rằng cả hai bên đã đồng ý rút quân ở quanh hồ Pangong Tso theo nhiều giai đoạn, có sự phối hợp và giám sát. Tiếp đến, các chỉ huy quân sự hai nước sẽ thảo luận về việc chấm dứt tình trạng bế tắc ở các khu vực khác dọc đường biên giới Ladakh.
Căng thẳng bắt đầu gia tăng dọc theo biên giới Ấn Độ - Trung Quốc kể từ tháng 4/2020. Khi đó, Ấn Độ cáo buộc binh lính Trung Quốc vượt quá Đường kiểm soát thực tế (LAC), vốn là biên giới tạm thời giữa hai quốc gia. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc trên, cho rằng họ đang hoạt động trên lãnh thổ nước mình.
Tuy nhiên, cuộc đối đầu đã trở nên căng thẳng vào tháng 6/2020 khi có 20 binh sĩ Ấn Độ và một số binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng trong các vụ đụng độ ở khu vực Galwan của Ladakh. Đây là vụ đụng độ xảy ra thương vong đầu tiên dọc theo biên giới dài 3.500 km của hai quốc gia này trong nhiều thập kỷ qua.
Mặc dù một số vòng đàm phán ngoại giao và quân sự đã được tổ chức sau đó, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn không thể đạt được một thỏa thuận rút quân cho đến tháng 2/2021.
Một quan chức Ấn Độ phát biểu: “Điều đang xảy ra hiện nay là binh sĩ ở bất kỳ nơi nào, đặc biệt là phía Bắc và phía Nam của Pangong Tso, vốn trong tình trạng đối đầu, đã có những nhượng bộ để giảm căng thẳng và mở đường cho việc tiếp tục xuống thang”.
Các video và hình ảnh do quân đội Ấn Độ công bố hồi đầu tuần này cũng cho thấy quân đội Trung Quốc đang tháo dỡ các boongke và lều trại, đồng thời di chuyển xe tăng, binh lính và phương tiện ra khỏi khu vực tranh chấp như một phần của quá trình hạ nhiệt căng thẳng.
Căng thẳng hai nước còn bùng phát trên cả lĩnh vực kinh tế, công nghệ. Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ ngày 27/1 đã ra tuyên bố phản đối quyết định của Ấn Độ cấm 59 ứng dụng điện thoại di động có nền tảng Trung Quốc.
Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ Ji Rong khẳng định hành động của Ấn Độ vi phạm các quyên tắc không phân biệt đối xử của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các nguyên tắc cạnh tranh công bằng của nền kinh tế thị trường, làm tổn hại quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.
Trên nền tảng hợp tác kinh tế và thương mại đôi bên cùng có lợi giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Bắc Kinh hối thúc New Delhi ngay lập tức có sự điều chỉnh để tránh gây tổn hại hơn nữa trong hợp tác song phương.