Tổng thống Putin đã đặt hồi sinh quân đội là một trong những ưu tiên hàng đầu trong 20 năm lãnh đạo của ông. Hãng thông tấn AFP (Pháp) đánh giá sau nhiều năm quân đội bị xao lãng thời kỳ hậu Liên Xô, Nga đã trang bị cho lực lượng vũ trang chiến đấu cơ, xe tăng và tên lửa tối tân, mở các căn cứ mới ở Bắc Cực.
Giám đốc Trung tâm Carnegie Moskva-ông Dmitri Trenin phân tích: “Khủng hoảng Ukraine đã cho thấy lần đầu tiên kể từ cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nga sẵn sàng sử dụng lực lượng quân đội để ngăn chặn sự bành trướng của phương Tây vào lãnh thổ từng thuộc Liên Xô”.
Trong nhiều tháng, việc triển khai quân đội của Nga ở gần biên giới với Ukraine khiến các quốc gia phương Tây lên tiếng cảnh báo về một cuộc tấn công. Nga đã mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc này.
Cũng trong thời gian qua, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh xe tăng Nga nằm im trên tuyết ở khu vực gần biên giới Ukraine hoặc tàu hỏa chở theo các vũ khí. Nga còn tham gia tập trận chung với Belarus - một cửa ngõ châu Âu - trong đó sử dụng nhiều hệ thống vũ khí tinh vi như tên lửa đất đối không S-400 và hệ thống phòng không Pantsir. Trong tháng 1, Nga thông báo về một loạt cuộc tập trận hải quân tại Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Bắc Băng Dương, Địa Trung Hải…
Đến ngày 15/2, Nga tuyên bố rút một số lực lượng ở khu vực gần biên giới Ukraine sau khi hoàn thành các cuộc tập trận theo kế hoạch.
Với gần 1 triệu binh sĩ đang phục vụ và nhiều vũ khí đáng gờm, quân đội Nga được coi là một trong những lực lượng vũ trang lớn nhất và hùng mạnh nhất thế giới. Tổng thống Putin cũng từng đề cập đến việc phát triển nhiều vũ khí “bất khả chiến bại” như tên lửa liên lục địa Sarmat và tên lửa hành trình Burevestnik.
Nhà phân tích Vasily Kashin tại Trường Kinh tế cấp cao ở Moskva đánh giá: “Quân đội là công cụ tốt cho việc tạo ảnh hưởng”. Trong những năm gần đây, nhà lãnh đạo Nga Putin cũng gặt hái được một số thắng lợi trong chính sách đối ngoại. Vào tháng 1 vừa qua, Nga đã điều binh sĩ đến Kazakhstan giúp nước này xử lý bất ổn từ biểu tình. Vào năm 2015, quân đội Nga cũng hiện diện tại Syria tham gia cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng theo đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad.
Hiện đại hóa quân sự của Nga cũng đi kèm với những nỗ lực đa dạng hóa kinh tế quan trọng và các dự án cơ sở hạ tầng, xã hội lớn.