Xe quân sự của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào thị trấn Afrin ngày 8/3. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ), phát biểu tại cuộc mít-tinh ở tỉnh Mersin, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan cho biết: “Cho đến nay, 850 km2 đã nằm dưới sự kiểm soát của chúng ta. Mục tiêu là phải giành được quyền kiểm soát 2.000 km2. Chúng ta không quan tâm tới đất đai, mà chỉ bận tâm đến việc quét sạch khủng bố ở đó. Những phần tử khủng bố ở đâu, chúng ta sẽ có mặt ở đó”.
Tiếp đó, phát biểu tại một hội nghị cấp tỉnh của đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, ông Erdogan thông báo 3.213 phần tử khủng bố đã bị “vô hiệu hóa” kể từ khi Ankara phát động chiến dịch “Nhành ô-liu” ở Afrin. Giới chức trách Thổ Nhĩ Kỳ thường dùng từ “vô hiệu hóa” trong các tuyên bố với hàm ý rằng những phần tử khủng bố trong trường hợp này đã đầu hàng, bị tiêu diệt hoặc bị bắt giữ.
Trong một diễn biến khác, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) ngày 10/3 cho biết đã có hơn 1.000 người thiệt mạng kể từ khi chính phủ Syria phát động cuộc tấn công nhằm vào khu vực Đông Ghouta do phiến quân kiểm soát cách đây gần 3 tuần.
Theo truyền thông khu vực, SOHR cho hay có ít nhất 215 trẻ em trong số 1.002 dân thường đã thiệt mạng kể từ khi cuộc tấn công của quân chính phủ Syria bắt đầu vào ngày 18/2. Các lực lượng của chính phủ Syria đã cắt đứt liên lạc của thị trấn lớn nhất ở Đông Ghouta với phần còn lại của vùng này, gần như chia cắt khu vực bất ổn ở ngoại ô Damascus này ra thành 3 phần.
Báo Gulf Times đưa tin, Đông Ghouta là một trong số những khu vực còn lại nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng phiến quân ở gần thủ đô của Syria. Các lực lượng chính phủ Syria đã chia tách các thị trấn Douma và Harasta và cô lập với phần còn lại của khu vực này. Hiện nhà chức trách Syria chưa đưa ra bình luận gì về những thông tin nêu trên.
Cuộc xung đột bùng phát tại Syria từ năm 2011 lại đang diễn biến phức tạp hơn bao giờ hết sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20/1 tiến hành chiến dịch quân sự mang tên "Nhành ô-liu" nhằm đánh bật lực lượng Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại tỉnh Afrin, miền Bắc Syria, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara tuyên bố đây là chiến dịch nhằm tiêu diệt các phần tử khủng bố, song vấn đề này đã gây căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước đồng minh phương Tây trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhất là Mỹ, nước ủng hộ YPG trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Một số nước thành viên NATO lo ngại hành động này của Ankara có thể ảnh hưởng tới cuộc chiến chống các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan tại Syria.