Thái Lan nối lại ‘Hổ mang vàng’ giữa lúc quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc

Các nhà phân tích đánh giá việc nối lại cuộc tập trận “Hổ mang vàng” mặc dù giảm quy mô vì dịch COVID-19 vẫn được coi là công cụ ngoại giao hữu ích cho Mỹ ở thời điểm quan hệ Thái Lan-Trung Quốc có biến đổi.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ tham gia tập trận "Hổ mang vàng" tại tỉnh Chonburi (Thái Lan) năm 2018. Ảnh: AP

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết cuộc tập trận chung “Hổ mang vàng” giữa Thái Lan và Mỹ dự kiến tổ chức từ 20/2 đến 5/3 nhưng giảm quy mô so với các năm trước do sự lây lan của biến thể Omicron. Cuộc tập trận “Hổ mang vàng” được tổ chức ở thời điểm quan hệ Thái Lan-Mỹ nồng ấm. Nhưng Thái Lan cũng ngày càng gần gũi hơn với Trung Quốc.

Có khoảng 3.460 binh sĩ, bằng 1/3 so với thời kỳ trước đại dịch, tham gia vào cuộc tập trận “Hổ mang vàng” năm nay. Trong đó có 1.953 quân nhân Thái Lan và 1.296 binh sĩ Mỹ.

20 quốc gia khác, trong đó có Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng gửi binh sĩ tham gia “Hổ mang vàng” năm nay. Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Australia dự kiến tham gia vào các dự án nhân đạo và dân sự như xây dựng trường học tại nông thôn Thái Lan.

Do hạn chế phòng dịch COVID-19 nên cuộc tập trận năm nay cũng loại bỏ nội dung sơ tán người dân, đổ bộ. Tất cả những thành viên tham gia cuộc tập trận đều phải tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 và tuân thủ quy trình nhập cảnh của Thái Lan. Theo đó, họ phải cách ly sau khi đến và trước khi rời đi đồng thời xét nghiệm PCR 2 lần và làm xét nghiệm nhanh 5 ngày/lần.

Là biểu tượng của mối quan hệ Thái Lan-Mỹ, “Hổ mang vàng” cho thấy vai trò an ninh thay đổi của Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh Bangkok tăng cường quan hệ với Bắc Kinh.

Giáo sư Zachary Abuza tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington nhận định: “Việc thiếu cam kết của Mỹ sẽ khiến lãnh đạo Thái Lan củng cố lập trường ủng hộ Trung Quốc. Điều không may là liên minh Mỹ-Thái Lan tiếp tục suy yếu khi hai phía có lập trường khác biệt về mối đe dọa”.

Thái Lan không chỉ tổ chức tập trận chung với Mỹ mà còn tham gia tập trận cùng Trung Quốc. Ông Paul Chambers tại Đại học Naresuan (Thái Lan) đánh giá: “Ở thời điểm này, Bangkok cố gắng không phụ thuộc quá nhiều hoặc nghiêng về một phía giữa Bắc Kinh hoặc Washington. Đó là một lý do khiến Bangkok lựa chọn tiếp tục tập trận với cả Mỹ và Trung Quốc”.

Trong khi đó, ông Abuza nhận định: “Thái Lan ngày càng dựa vào Trung Quốc trong các hợp đồng vũ khí mua tàu ngầm, xe tăng, chiến hạm và xe bọc thép chở quân”. Ông Abuza cũng bổ sung rằng Mỹ hiện chỉ chiếm khoản khiêm tốn trong lượng nhập khẩu vũ khí của Không quân Thái Lan.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là cuộc tập trận “Hổ mang vàng” cũng được tổ chức ở thời điểm các thỏa thuận vũ khí giữa Thái Lan và Mỹ có dấu hiệu khởi sắc. Vào đầu năm nay, Không quân Thái Lan đã tuyên bố kế hoạch mua 4 tiêm kích F-35 của Lockheed Martin (Mỹ) trị giá 426 triệu USD.

Thỏa thuận này đã được thông qua, khác số phận với 2 chiếc tàu ngầm Trung Quốc Hải quân Thái Lan đề nghị mua nhưng bị trì hoãn trong 2 năm.

Hà Linh/Báo Tin tức
Thái Lan đổi tên thủ đô Bangkok thành Krung Thep Maha Nakhon
Thái Lan đổi tên thủ đô Bangkok thành Krung Thep Maha Nakhon

Ngày 16/2, Hội Hoàng gia Thái Lan (Royal Institute - ORST) đã tuyên bố đổi tên gọi chính thức của thủ đô nước này, từ Bangkok thành Krung Thep Maha Nakhon.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN