Kênh truyền hình RT đưa tin sự cố này xảy ra hôm 14/12, một tuần sau khi Oregon bị rung chuyển bởi gần 100 trận rung chấn xuất hiện ngoài khơi. Ngày 15/12, phi đội số 142 của Vệ binh Quốc gia đã lên tiếng thừa nhận đứng đằng sau vụ nổ gây hoang mang trên.
Theo thông báo của phi đội này trên Facebook, một chuyến bay diễn tập đã vô tình gây tiếng nổ lớn khi hoạt động ngoài khơi Oregon. “Chúng tôi hiểu rõ việc này đã gây lo ngại cho cư dân vùng ven biển và chúng tôi chân thành xin lỗi về việc này”, thông báo viết.
Trung sĩ Steven Conklin cho hay phi công của Vệ binh Quốc gia Mỹ được được phép phát ra các vụ nổ siêu thanh khi bay cách bờ biển ít nhất 25km. Tuy nhiên, mũi của máy bay nên tránh quay về phía đất liền.
Trong sự cố hôm 14/12, chiếc máy bay ở vị trí cách bờ biển 25km, song phần mũi của nó lại hơi chếch về phía bờ biển.
Các vụ nổ siêu thanh được kích hoạt bởi sóng xung kích xảy ra khi một vật thể di chuyển trong không khí với tốc độ nhanh hơn tốc độ âm thanh, hay 1.236 km/h. Tiếng nổ siêu thanh có tác động giống như một vụ nổ, có thể làm hỏng màng nhĩ và làm vỡ cửa sổ.
Những năm qua, Hải quân và Không quân Mỹ đã phải bồi thường hàng trăm vụ bị ảnh hưởng do tiếng nổ siêu thanh. Trong một trường hợp mà Không quân Mỹ phải bồi thường 26.000 USD vào năm 1982, một gia đình ở Tennessee trình báo vụ nổ siêu thanh làm chết 61 con lợn cũng như làm bung phần trám răng của một người phụ nữ và bật móng nhà. Người phụ nữ này cũng tuyên bố bị giảm thị lực, chóng mặt suốt nhiều tuần.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã cấm các chuyến bay dân sự siêu thanh trên đất liền từ năm 1973. Hiện chưa rõ phi đội của Vệ binh Quốc gia sử dụng loại máy bay nào trong sự cố mới đây. Một số máy bay quân sự Mỹ có thể bay nhanh gấp đôi vận tốc âm thanh.