Theo đài RT (Nga), ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, cho biết Lappeenranta, thành phố nhỏ của Phần Lan nằm gần biên giới với Nga, sẽ tự đưa mình vào tầm ngắm của Nga nếu đặt căn cứ quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại đây.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi truyền thông Phần Lan đưa tin thành phố Lappeenranta kỳ vọng thu hút đầu tư sau khi quốc gia này gia nhập khối quân sự do Mỹ dẫn đầu. Trong đó, ông Kimmo Jarva, Thị trưởng của thành phố Lappeenranta, ám chỉ rằng thị trấn của ông muốn có một căn cứ quân sự.
“Có ý kiến đề xuất sử dụng sân bay địa phương để đặt căn cứ. Nó có thể được sử dụng nếu Lực lượng Phòng vệ mong muốn. Tôi không thể bình luận bất cứ điều gì về việc triển khai Lực lượng Phòng vệ và các đơn vị quân đội NATO ở đây, vì tôi không phải là một chuyên gia”, Thị trưởng Jarva tuyên bố.
Đài truyền hình Yle của Phần Lan dẫn lời ông Jarva cho biết thêm việc chính thức trở thành thành viên của NATO sẽ mang lại cảm giác an toàn cho người dân và doanh nghiệp trong khu vực Nam Karelia. Tuy nhiên, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga cho biết Thị trưởng Jarva đã nhầm lẫn về cách đảm bảo an ninh. Ông nhấn mạnh trên thực tế, các cơ sở hạ tầng quân sự sẽ được nhắm mục tiêu đầu tiên nếu xung đột giữa hai quốc gia nổ ra.
“Việc đặt các căn cứ của NATO sẽ không bảo vệ được Phần Lan hay Thụy Điển. Ngược lại, nó sẽ khiến cư dân của các thành phố có cơ sở hạ tầng quân sự bị tấn công”, ông Volodin viết trên mạng xã hội.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cũng cho rằng việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO có thể biến các nước Baltic từ khu vực bình lặng nhất thành khu vực đối đầu gay gắt. Ông Grushko nói: “Moskva sẽ theo dõi chặt chẽ những gì đang xảy ra trên lãnh thổ Phần Lan và Thụy Điển khi họ quyết định gia nhập NATO”. Nhà ngoại giao Nga lưu ý rằng việc mở rộng NATO là “giai đoạn đáng buồn nhất” trong lịch sử của châu Âu.
Thành phố Lappeenranta có dân số khoảng 70.000 người, nằm cách biên giới Nga 20 km.
Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào đầu năm nay và dự kiến sẽ sớm trở thành thành viên chính thức của liên minh quân sự này sau khi được tất cả các quốc gia thành viên phê duyệt. Với động thái này, hai quốc gia Bắc Âu đã phá vỡ truyền thống trung lập lâu đời của mình để gia nhập tổ chức quân sự do Mỹ đứng đầu.
Trước đó, chính phủ của cả hai nước đều tuyên bố rằng trong trường hợp đơn xin gia nhập NATO được chấp thuận, họ sẽ đưa ra những điều kiện đơn phương, phản đối việc đặt các vũ khí hạt nhân và căn cứ quân sự lâu dài trên lãnh thổ của mình.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo Nghị định thư gia nhập liên minh quân sự này của Phần Lan và Thụy Điển sẽ được ký vào ngày 5/7 tới. Song quyết định kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vẫn cần được quốc hội của 30 nước thành viên NATO thông qua và ông Stoltenberg cho biết quá trình này sẽ được đẩy nhanh hơn thông thường.