Theo đài Sputnik (Nga), NATO đã bắt đầu tăng mạnh ngân sách quốc phòng từ trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào năm 2022. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Wales năm 2014, các nhà lãnh đạo liên minh đã giao nhiệm vụ cho tất cả các thành viên chi từ 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng.
Chi tiêu quốc phòng của liên minh quân sự này hiện cao hơn tất cả các đối thủ lớn và thế giới cộng lại. Nga chi khoảng 56,6 tỷ USD cho quốc phòng vào năm 2023. Trung Quốc, quốc gia đã vượt nền kinh tế Mỹ về GDP tính theo sức mua vào năm 2020, cũng đang chi khoảng 224 tỷ USD cho quốc phòng trong năm nay.
Vậy thành viên nào của khối chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng? Và việc tăng ngân sách quốc phòng có thực sự giúp quân đội NATO hoạt động hiệu quả hơn không?
Quốc gia chi tiêu quốc phòng nhiều nhất trong NATO
Cho đến nay, Mỹ là quốc gia chi tiêu quốc phòng nhiều nhất trong NATO. Washington đã dành 877 tỷ USD, khoảng 3% GDP, tương đương 12% tổng chi tiêu liên bang, cho quốc phòng.
Kể từ năm 2015, chi tiêu quốc phòng của Mỹ đã tăng liên tục sau 5 năm sụt giảm do khủng hoảng kinh tế. Cụ thể, chi tiêu của Mỹ cho quốc phòng có xu hướng tăng lên trong nhiều thập kỷ, sau mức thấp nhất năm 1948 là 9 tỷ USD (khoảng 153,7 tỷ USD đã điều chỉnh theo lạm phát).
Gần đây, Quốc hội nước này đã đạt được một thỏa thuận giới hạn nợ mang tính bước ngoặt. Trong đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố đề xuất ngân sách quốc phòng khoảng 886 tỷ USD cho năm tài chính 2024, tăng 3,3% so với năm trước.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp của cả hai đảng đã bắt đầu tìm cách để chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, chẳng hạn sử dụng “các khoản bổ sung khẩn cấp” ở Ukraine cho các ưu tiên khác của Lầu Năm Góc.
Cuộc kiểm toán độc lập gần đây về ngân sacsah Mỹ đã chi ở Ukraine trong năm qua, do Grayzone thực hiện, đã xác nhận rằng ngân sách viện trợ cho Ukraine có thể dễ dàng chuyển hướng cho những mục tiêu khác, chẳng hạn cho các viện nghiên cứu nước ngoài, phương tiện truyền thông, và thậm chí các công ty cổ phần tư nhân.
10 quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất trong NATO
Đứng thứ hai sau Mỹ về tổng chi tiêu quốc phòng là Vương quốc Anh. Nước này đã đặt mục tiêu chi tương đương 68,5 tỷ USD cho quốc phòng vào năm 2023. Thậm chí, London đã cam kết tăng chi tiêu thêm 6 tỷ USD trong 2 năm tới, ngay cả khi đất nước đang đứng trên bờ vực suy thoái và đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt chưa từng có kể từ những năm 1970.
Đức là nước chi tiêu cho quốc phòng lớn thứ 3 trong số các thành viên NATO, cam kết chi khoảng 54,5 tỷ USD vào năm 2023 và lên kế hoạch tăng 10,9 tỷ USD vào năm 2024. Đức, quốc gia đang trong thời kỳ suy thoái, là nước chịu thiệt hại lớn nhất ở châu Âu do hậu quả của căng thẳng NATO - Nga. Berlin đã mất nguồn cung năng lượng và tài nguyên giá rẻ của Nga để cung cấp nhiên liệu cho nền kinh tế công nghiệp đang kiệt quệ và vụ tấn công đường ống Nord Stream.
Theo sau là Pháp, Italy, Ba Lan, Canada, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha – lần lượt chi số tiền tương đương 42,8 tỷ USD, 30,3 tỷ USD, 22,5 tỷ USD, 21,4 tỷ USD, 18,1 tỷ USD, 15,9 tỷ USD và 13,1 tỷ USD cho quốc phòng trong năm nay.
Hầu hết tất cả các quốc gia này đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng do lo ngại mối đe dọa từ nước ngoài, cũng như các cam kết với NATO.
Pháp cũng đã đề xuất những kế hoạch chi tiêu quốc phòng đầy tham vọng. Tổng thống Emmanuel Macron vừa qua đã đưa kế hoạch ngân sách quốc phòng trị giá 438 tỷ USD cho những năm 2024 - 2030 lên Quốc hội.
Chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn liệu có tốt hơn?
Hồi năm 2019, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã giải thích lý do khối này tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng, ngay cả khi khoản tiền này đã tăng lên tới hơn 20 lần so với Nga. Ông cho rằng những con số này cho thấy NATO là một liên minh hiệu quả và có quân đội hiệu quả. Theo ông, mức chi tiêu cao hơn nhiều này cũng phản ánh mức sống cao hơn.
“Nếu so sánh mức lương và mức chi cho quốc phòng giữa các nước NATO và Nga, tất nhiên mức chi của NATO cao hơn. Và bởi vậy, khi so sánh các khoản ngân sách này với giá thị trường và các loại tiền tệ phổ biến, thì chúng ta sẽ có được những kết luận mà chúng ta đang đề cập tới, nhưng điều đó không phản ánh hiệu quả thấp hơn”, ông Stoltenberg nói.
Các nhà quan sát khác có những cách giải thích không giống vậy. Họ cho rằng điều này dẫn đến tình trạng dư thừa các sĩ quan cấp cao được đãi ngộ tốt - như tướng lĩnh và đô đốc, chi tiêu quá hào phóng cho việc mua sắm và các nguồn cung - chi 20,2 tỷ USD/năm cho điều hòa không khí trong các hoạt động của Mỹ ở Iraq và Afghanistan, và những khoản tiền khổng lồ cho các dự án - như máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-35, có chi phí trọn đời dự kiến hơn 1,7 nghìn tỷ USD, và còn tiếp tục tăng lên.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra với các dự án tên lửa siêu vượt âm trị giá hàng tỷ USD chưa từng được đưa vào sử dụng.
Theo một số nhà phân tích, với việc tăng chi tiêu cho quốc phòng, NATO sẽ chứng minh rằng họ có thể sử dụng sức mạnh không quân để buộc các nước nhỏ hơn, yếu hơn về mặt quân sự phải khuất phục. Tuy nhiên, liên minh này đã kém thành công hơn trong việc việc duy trì hiện diện quân sự ở một số khu vực. Chẳng hạn, hơn 2 nghìn tỷ USD mà Washington và các đồng minh đã chi ở Afghanistan từ năm 2001 đến 2021 đã không ngăn được việc lực lượng quân đội Afghanistan do NATO huấn luyện sụp đổ chỉ trong vài tháng sau khi Mỹ tuyên bố rút quân.