Những quốc gia Mỹ sẽ thẳng tay trừng phạt nếu mua S-400 của Nga

Trong một cuộc họp báo tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết đã cảnh báo chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới không mua hệ thống S-400 của Nga, đồng thời tuyên bố có thể áp đặt trừng phạt lên những quốc gia không thuận theo đề xuất này.

Hãng Sputnik (Nga) đưa tin tính đến nay mới có Nga, Belarus và Trung Quốc đang sở hữu S-400, nhưng nhiều quốc gia khác cũng ngỏ ý muốn mua hệ thống phòng thủ tên lửa này.

Chú thích ảnh
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik

Như vậy, theo cảnh báo của Mỹ, những quốc gia dưới đây có thể sẽ bị Mỹ trừng phạt theo nội dung Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) nếu vẫn quyết tâm mua S-400.

Ấn Độ

Tháng 10/2016, Nga và Ấn Độ đạt thỏa thuận ban đầu về chuyển giao S-400 nhưng lãnh đạo hai quốc gia chưa đặt bút ký chính thức. Đến ngày 20/8, Giám đốc Cơ quan Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Nga (FSMTC) Dmitry Shugaev tuyên bố Moskva và New Delhi đang tiến gần tới việc ký kết thỏa thuận. Ông Dmitry Shugaev cho biết hợp đồng mua S-400 giữa Nga và Ấn Độ có thể được ký vào cuối năm nay.

Phía Mỹ đã cảnh báo Ấn Độ về hậu quả của việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa Nga. Về phần mình, Ấn Độ đã cử một đoàn quan chức quân sự cấp cao và chuyên gia kỹ thuật quân sự tới thuyết phục Mỹ ngưng trừng phạt nếu New Delhi mua S-400.

Saudi Arabia

Theo Đại sứ Nga tại Saudi Arabia, từ triển lãm hàng không Dubai 2015, Riyadh đã bắt đầu để mắt đến S-400 của Nga. Năm 2017, Nga và Saudi Arabia đạt được thỏa thuận trong đó Moskva sẽ cung cấp nhiều loại vũ khí cho Riyadh, bao gồm cả S-400. Tuy nhiên, chính phủ Nga và Saudi Arabia chưa chính thức ký kết thỏa thuận này do vẫn còn thảo luận về các chi tiết kỹ thuật.

Qatar

Tháng 1/2018, Đại sứ Qatar tại Nga Fahad bin Mohammed Attiyah cho biết Doha đang ở giai đoạn thảo luận với Moskva về mua S-400. Theo tờ La Monde (Pháp) đưa tin, ngoài áp lực từ Mỹ, Qatar cũng chịu áp lực từ Saudi Arabia về thương vụ mua S-400. Tuy nhiên, cả Nga và Qatar đều không nao núng trước áp lực và vẫn cam kết thực hiện kế hoạch chuyển giao S-400.

Iraq

Vào tháng 2/2018, Iraq đã khẳng định cần mua S-400 để “tăng cường an ninh nội địa và sức mạnh của lực lượng vũ trang” quốc gia này. Ngoại trưởng Iraq Ibrahim Jaafari cũng cẩn trọng nhấn mạnh khả năng các lệnh trừng phạt của Mỹ là rào cản cho thỏa thuận này. Ngoại trưởng Ibrahim Jaafari đồng thời cho biết Iraq vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

S-400 là hệ thống phòng không thế hệ mới của Nga. S-400 mang 3 loại tên lửa khác nhau có khả năng xử lý mục tiêu trên không ở tầm ngắn và tầm xa. S-400 được thiết kế để dò tìm đồng thời tiêu diệt các mục tiêu trên không khác nhau, từ máy bay giám sát cho đến tên lửa đạn đạo.

Hà Linh/Báo Tin tức
Mỹ cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh muốn mua S-400 Nga
Mỹ cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh muốn mua S-400 Nga

Một lần nữa cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ về việc mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đi xa hơn một bước bằng việc đe dọa trừng phạt tất cả các đồng minh NATO nếu muốn làm tương tự. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN