Tờ Business Insider (Mỹ) ngày 16/12 đưa tin Lầu Năm Góc ước tính Không quân và Hải quân Trung Quốc hiện “nắm trong tay” 2.800 chiến đấu cơ, không bao gồm máy bay không người lái và máy bay huấn luyện. Trong đó khoảng 2.250 máy bay quân sự dành cho chiến đấu trong khi 800 chiếc là máy bay thế hệ thứ tư.
Không quân Trung Quốc trong những năm gần đây đã chuyển từ phòng không sang “các chiến dịch phòng vệ và tấn công”, xây dựng lực lượng “có khả năng chiến đấu ở tầm xa”. Trung Quốc đã dựa vào những chiến đấu cơ nào để chạy đua với phương Tây?
Mở rộng phi đội chiến đấu
Trong Chiến tranh Lạnh, Không quân Trung Quốc chủ yếu phụ thuộc vào các chiến đấu cơ nước này tự đóng dựa trên thiết kế máy bay quân sự Liên Xô. Đến thập niên 80 của thế kỷ trước, chiếc chiến đấu cơ đầu tiên do nước này chế tạo J-8 ra đời.
Vào đầu thập niên 90, Trung Quốc bắt đầu mua chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 từ Nga. Trong giai đoạn 1992-2015, Trung Quốc đã mua Su-27, Su-30MKK và Su-35 của Nga đồng thời tự phát triển các chiến đấu cơ của nước này dựa trên các máy bay quân sự mới mua được từ Moskva.
Chiếc J-11 được coi là bản bắt chước Su-27. Năm 2004, Trung Quốc dừng sản xuất J-11 và chuyển sang phiên bản nâng cấp J-11B. Hiện có 197 chiếc J-11 các dòng đang hoạt động trong Hải quân và Không quân Trung Quốc.
Năm 2015, Không quân Trung Quốc ra mắt J-16, được dựa trên Su-30MKK của Nga. Trên 150 chiếc J-16 đang thuộc phiên chế Không quân Trung Quốc. Lực lượng này từ tháng 11 cũng khởi động đào tạo sử dụng chiếc J-16D, phiên bản tác chiến điện tử của J-16.
Phi đội của Hải quân Trung Quốc bao gồm các chiến đấu cơ tàu sân bay J-15. Thiết kế của J-15 được dựa trên tiêm kích Su-33 Trung Quốc mua từ Ukraine. Trên thực tế Nga không sẵn sàng bán Su-33 cho Trung Quốc.
Tăng cường các máy bay ném bom
Với việc cho Q-5 “về hưu” từ năm 2017, Trung Quốc hiện chỉ còn sở hữu hai máy bay ném bom là H-6 và JH-7. H-6 được coi là “bản sao” của Tu-16 từ thời Liên Xô. Trung Quốc sở hữu 230 chiếc H-6 trong Không quân và Hải quân.
JH-7 chủ yếu dành cho các chiến dịch ném bom tầm ngắn. Ra mắt năm 1992, máy bay quân sự này có thể chở theo 7 tấn bom và đạt vận tốc tối đa 1 Mach. Hải quân và Không quân Trung Quốc đang vận hành 260 chiếc JH-7.
Chiến đấu cơ thế hệ thứ 5
Thành tựu mà Không quân Trung Quốc tự hào nhất là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 J-20. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phát triển nhiều chiến đấu cơ tàng hình khác, trong đó có máy bay ném bom được dự đoán có tầm hoạt động hơn 8.000 km và chở được 10 tấn vũ khí.
Trung Quốc cũng đang phát triển chiến đấu cơ tàng hình FC-31 nhằm thay thế J-15 và sẽ "đóng quân" trên các tàu sân bay.
Lầu Năm Góc còn để mắt đến việc Trung Quốc nâng cấp năng lực tiếp liệu trên không, bởi điều này có thể tạo điều kiện để các chiến đấu cơ nước này hoạt động xa hơn và lâu hơn. Báo cáo của Lầu Năm Góc có đoạn: “Không quân Trung Quốc đang nhanh chóng theo kịp các lực lượng phương Tây”.