Trong một bài phỏng vấn với tập đoàn truyền thông Rossiya Segodnya xuất bản ngày 30/5, khi được hỏi Moskva sẽ phản ứng thế nào nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên mặt đất ở châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng quốc tế đang ở mức chưa từng có, Ngoại trưởng Lavrov trả lời: “Chúng tôi sẽ phản ứng lại nếu Mỹ thực hiện kế hoạch triển khai tên lửa”. Nhà ngoại giao cấp cao giải thích Nga sẽ buộc phải dỡ bỏ các lệnh cấm đơn phương mà nước này đã tuân thủ ngay cả khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) năm 1987 mang tính bước ngoặt.
“Chúng tôi không loại trừ các bước bổ sung trong lĩnh vực răn đe hạt nhân vì tên lửa Mỹ được triển khai sẽ có khả năng tấn công các trung tâm chỉ huy và các bộ phận trong kho vũ khí hạt nhân của chúng tôi”, ông Lavrov nhấn mạnh.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km) trên mặt đất.
Năm 2019, Mỹ đã hủy bỏ thỏa thuận trên với cáo buộc Nga vi phạm thoả thuận. Về phần mình, Moskva đã phủ nhận các cáo buộc và đình chỉ việc tham gia thoả thuận sau khi Washington rút khỏi.
Trong một tuyên bố với Rossiya Segodnya, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Moskva và Bắc Kinh đã nhất trí tăng cường hợp tác nhằm chống lại hành vi làm suy yếu sự ổn định quốc tế của Washington. Đầu tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một tuyên bố chung, lên án “những bước đi gây bất ổn cao, đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga và Trung Quốc”.
Moskva tuyên bố đang phát triển các hệ thống tên lửa mới để đáp trả việc chuyển giao ATACMS do Mỹ sản xuất và các tên lửa tầm xa khác do phương Tây cung cấp cho Ukraine.