Trong một bối cảnh hiếm hoi, lần đầu tiên kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, cả hai công ty Nga và Ukraine đều trưng bày vũ khí của họ gần nhau tại triển lãm quốc phòng Quốc tế (IDEX) đang diễn ra tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.
Nga, quốc gia có ngành công nghiệp vũ khí đang trở mục tiêu trừng phạt chính của phương Tây, năm nay có sự hiện diện lớn hơn dự đoán tại triển lãm, mặc dù họ thậm chí không được liệt kê là quốc gia triển lãm chính thức trên trang web của sự kiện.
Sự hiện diện của các công ty Nga tại Abu Dhabi cho thấy cách các công ty và quan chức chính phủ Nga đang tìm cách tăng cường quan hệ với các quốc gia bên ngoài châu Âu, vốn đã tìm mọi cô lập Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Gian hàng riêng biệt của Nga có 7 nhà sản xuất khác nhau, mỗi nhà trưng bày một loạt các sản phẩm quân sự. Trong số này có loại đạn tuần kích Zala KYB biến thể xuất khẩu, được sản xuất bởi Tập đoàn Zala, một nhánh của Tập đoàn Kalashnikov. Đây là lần đầu tiên vũ khí này được trưng bày tại triển lãm.
Các lực lượng của Moskva đã thường xuyên sử dụng tên lửa và đạn tuần kích, còn được gọi là máy bay không người lái tấn công tự sát (“kamikaze”), nhằm vào các cơ sở hạ tầng dân sự Ukraine.
Samuel Bendett, nhà phân tích nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Hải quân có trụ sở tại Mỹ, chỉ ra rằng các lực lượng Nga đã sử dụng KYB một cách tiết kiệm hơn so với máy bay không người lái Lancet vốn nổi bật hơn. Ông Bendett nói: “Trong số hai loại vũ khí tuần kích, Lancet thực tế là loại thống trị và được nhắc đến với số lượng lớn như một năng lực chính của Nga, chứ không phải KYB".
Ông Bendett giải thích rằng trong thời kỳ đầu của cuộc xung đột, các clip về KYB đang hoạt động thường cho thấy hệ thống này rơi xuống các khu dân cư mà không phát nổ hoặc bắn trượt mục tiêu.
Khi được hỏi về lý do tại sao mẫu KYB lại được chọn để trưng bày ở triển lãm thay vì hệ thống Lancet, một đại diện của Tập đoàn Kalashnikov chỉ nói với Defense News rằng một phần là do các biến thể Lancet có kích thước lớn hơn nhiều, khiến khó vận chuyển được trong một thời gian ngắn.
Giám đốc điều hành của Rosoboronexport, "người khổng lồ" xuất khẩu vũ khí Nga, ông Alexander Mikheev, đã tuyên bố trong một thông cáo báo chí rằng công ty “đang thực hiện nhiều dự án trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự trong khu vực, chú trọng các đề xuất về các hình thức hợp tác phù hợp nhất với các quốc gia vùng Trung Đông".
Ông Mikheev nhấn mạnh rằng các lĩnh vực này chủ yếu liên quan đến chuyển giao công nghệ, phát triển chung và sử dụng các chương trình hỗ trợ.
Trong khi đó, cũng tại triển lãm trên, nhà sản xuất máy bay không người lái Ukrspecsystems của Ukraine đã trình diễn loại đạn tuần kích RAM-II, dựa trên máy bay không người lái Leleka-100 đang được Lực lượng Vũ trang Ukraine sử dụng.
Hệ thống máy bay không người lái tấn công tự sát này được thiết kế đặc biệt để tiêu diệt xe tăng cũng như đóng vai trò là hệ thống phòng không. RAM-II được công bố lần đầu tiên vào năm 2021. Hệ thống này đã tham gia chiến trường trong suốt năm ngoái ở Ukraine.
Trong một video từng lưu truyền trên Internet đã ghi lại hình ảnh RAM-II được sử dụng để chống lại mục tiêu được cho là hệ thống Osa Sam của Nga. Osa Sam là một hệ thống tên lửa đất đối không chiến thuật tầm ngắn, tầm thấp, cơ động cao được phát triển ở Liên Xô vào những năm 1960.
Một số máy bay không người lái RAM-II đã được mua ở Ukraine thông qua huy động vốn từ cộng đồng dân sự.
Vai trò trung tâm của các loại đạn dược tuần kích ở Ukraine đã làm tăng đáng kể sự chú ý tới chúng của các nước phương Tây. Một số quốc gia châu Âu đã thông báo quyết định mua một số hoặc tự sản xuất các loại vũ khí này.