Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 và Tu-22M của không quân Nga. Ảnh: RIA Novosti |
Không quân Nga vừa thi triển đợt không kích lớn nhất, phức tạp nhất trong lịch sử hiện đại, với sự vào cuộc của rất nhiều máy bay ném bom hạng nặng. Ít nhất 25 chiếc máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M (NATO định danh là Backfire), Tu-95 (Bear) và Tu-160 (Blackjack) đã cùng tham gia vào một đợt không kích điều phối tầm xa, nhằm vào các mục tiêu của IS tại Syria.
Đòn đánh hôm 17/11 này, với việc các máy bay xuất kích ngay trong đêm từ căn cứ ở Ossetia miền Nam nước Nga, cho thấy mức độ leo thang không kích của Moskva ở Syria. Nó cũng là một chỉ dấu cho thấy Nga đã “hồi sinh” các phi đội máy bay ném bom hạng nặng một thời từng bị suy yếu trông thấy do thiếu nguồn kinh phí bảo dưỡng, nâng cấp.
Tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga xem việc huy động các máy bay ném bom tầm xa này là “một phần của kế hoạch không kích mới”. Ông thông báo: “Trong đợt không kích ồ ạt ngày hôm nay (17/11), 14 mục tiêu quan trọng của IS đã bị 34 tên lửa hành trình Nga tiêu diệt. Trong số đó có các sở chỉ huy của quân khủng bố tại tỉnh Idlib và Aleppo; các kho đạn, kho hậu cần của chúng ở miền tây bắc Syria”.
Bộ Quốc phòng Nga cũng cho công bố một
đoạn video, chiếu cảnh các máy bay Tu-22M, Tu-95, Tu-160 3 của Nga xuất kích, ném bắn rồi trở về căn cứ. Hộ tống các chuyến bay này là một số chiến đấu cơ Su-27. Ba loại máy bay hạng nặng dòng Tupolev trên đều có tầm bay xa hàng nghìn km, mang được 20 tấn vũ khí và hiện chỉ có Mỹ, Trung Quốc sở hữu những “cỗ máy ném bom” với tính năng tương tự.
Xem tên lửa hành trình Nga bay ngang trời, nhắm mục tiêu IS:
Quan chức Nga cũng đã thông báo trước kế hoạch không kích này cho giới hoạch định Mỹ đóng ở sở chỉ huy liên quân quốc tế tại Qatar - Phát ngôn viên Lầu Năm góc Peter Cook cho biết. Đây là lần đầu tiên Nga và Mỹ thực hiện công tác phối hợp hiệp đồng về không kích ở Syria sau khi hai nước đạt được thỏa thuận hồi tháng 10 về bảo đảm an toàn, tránh va chạm giữa hai bên trên bầu trời Syria.
Đòn mưa bom được thực hiện ngay sau khi Điện Kremlin chính thức ra thông báo thừa nhận máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Metrojet gặp nạn ở bán đảo Sinai là do “
hành động khủng bố”, cụ thể là bị tấn công bằng bom cài trên máy bay. IS trước đó đã lên tiếng nhận trách nhiệm trong vụ việc này.
Dùng 25 máy bay ném bom hạng nặng chỉ trong một chiến dịch không kích là con số đặc biệt ấn tượng. Huy động 14 chiếc (trong tổng số 70 chiếc) Tu-22M, 6 chiếc Tu-95 (trên tổng số 58) và 5 chiếc Tu-160 (trên tổng số 13) chỉ trong một đêm không kích cho thấy bước phát triển mới của không quân Nga, cùng với đó là khả năng sẵn sàng chiến đấu tốt của lực lượng này. Trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, số máy bay này đa phần phải nằm kho, do những khó khăn về ngân sách, kinh phí.
So sánh với Mỹ, nước có lực lượng không quân được coi là mạnh nhất thế giới hiện nay, Nga cũng đã chứng tỏ được những ưu thế riêng, nổi trội. Khi không kích, những máy bay ném bom tầm xa như B-52, B-1 Lancer hay B-2 Spirit thường thực hiện độc lập, cùng lắm là theo cặp, rất ít trường hợp là theo số lượng lớn. Trong chiến dịch Bão táp sa mạc ở Iraq (1991), giai đoạn khai màn không quân Mỹ cũng chỉ “dám” điều 7 chiếc B-52 không kích cấp tập đồng loạt, với các loạt phóng tên lửa hành trình. Đến chiến dịch Tự do Iraq (2003), Mỹ cũng chỉ huy động 8 chiếc B-52 không kích cùng lúc.
Truyền thông phương Tây nhận định, đợt không kích mới nhất của Nga thực sự “choáng ngợp và gây sốc”. Khi mà 25 máy bay ném bom chiến lược thuộc diện mạnh nhất thế giới không kích cùng một thời điểm, thì đó không chỉ đơn giản là một đòn đánh đơn thuần. Đó là một tuyên bố đối với toàn thể thế giới.