Một máy bay Poseidon của Hải quân Mỹ. Ảnh: AFP |
Phía Bộ Quốc phòng Nga cho biết máy bay Poseidon đã bay tuần tiễu suốt 4 giờ ở độ cao 7.000 mét trên biển Địa Trung Hải khu vực giữa hai căn cứ Tartus và Hmeimim vào thời điểm diễn ra cuộc tấn công. Bộ Quốc phòng Nga gọi đây là “sự tình cờ kỳ lạ”.
Ngoài ra, về tuyên bố của đại diện Lầu Năm Góc Rankin-Galloway rằng công nghệ được sử dụng trong cuộc tấn công hôm 6/1 vốn “được bán rộng rãi trên thị trường” nhằm bác bỏ nghi ngờ Mỹ hoặc lực lượng liên minh do Mỹ đứng đầu có liên quan đến cuộc tấn công căn cứ của Nga, Bộ Quốc phòng Nga cho rằng để lập trình cho thiết bị không người lái và ném bom vào hệ thống định vị (ở Hmeimim) cần phải có trình độ kỹ thuật khá cao của một nước phát triển. Ngoài ra, bộ này khẳng định, không phải nước nào cũng có khả năng xác định vị trí trên cơ sở thông số trinh sát từ không gian.
Trong lúc này, giới chính trị và chuyên gia quân sự Nga không loại trừ khả năng cơ quan tình báo phương Tây có liên quan đến vụ tấn công căn cứ Nga. Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Yuri Shvytkinn cho rằng, cơ quan tình báo phương Tây có thể đã hỗ trợ khủng bố, một số thiết bị bay mà Nga thu giữ được có nguồn gốc nước ngoài sản xuất.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự, Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng Toàn dân Igor Korotchenko tin rằng nếu không có hỗ trợ từ bên ngoài, các tay súng ở Syria không có khả năng tự mình lắp ráp nên thiết bị bay, tổ chức tấn công đồng loạt bằng thiết bị mang bom, ngay cả cơ chế ném bom từ thiết bị bay không người lái cũng không phải là điều đơn giản.
Những tuyên bố trên được đưa ra sau vụ căn cứ không quân của Nga ở Hmeimim và trạm hỗ trợ kỹ thuật ở Tartus đã bị khủng bố sử dụng thiết bị bay không người lái tấn công vào rạng sáng 6/1.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tấn công diễn ra với 13 máy bay không người lái nhằm vào các căn cứ Hmeimim và Tartus, tuy nhiên 7 máy bay không người lái đã bị bắn rơi và 6 chiếc còn lại bị phía Nga giành quyền điều khiển và thu giữ.