Phát biểu tại hội nghị ở Moskva về không phổ biến vũ khí hạt nhân ngày 8/11, ông Sergei Ryabkov cho biết: “Phía Mỹ đã nêu việc thảo luận về hoạt động phổ biến trong Hiệp ước đối với các vũ khí mới của Nga không thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước, về điều này Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập đến nhiều lần. Đó là không thể nếu không mổ xẻ và sửa đổi đáng kể nội dung Hiệp ước”.
Hồi tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã đề xuất đưa “tất cả các vũ khí mới của Nga” vào START-3.
START-3 hết hiệu lực vào tháng 2/2021. Văn kiện này được ký năm 2010 và hiện là Hiệp ước hạn chế vũ khí duy nhất hiện nay giữa Nga và Mỹ. Theo Tổng thống Putin, tình hình trên thế giới sẽ trở nên nguy hiểm hơn nếu Mỹ từ chối gia hạn START-3. Ông lưu ý rằng Hiệp ước START trên "thực tế vẫn là công cụ duy nhất để hạn chế chạy đua vũ trang".
Cũng liên quan đến sự cạnh tranh Nga - Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ - Đại tá Không quân Robert Carver ngày 8/11 cho biết sự phát triển nhanh chóng của Nga trong công nghệ chế tạo vũ khí siêu thanh đã tạo ra sự "mất cân xứng trong khả năng chiến đấu" mà Washington cần khắc phục.
Ông Carver nhấn mạnh: "Mặc dù trong nhiều thập kỷ, Mỹ đi đầu về nghiên cứu các hệ thống siêu thanh, nhưng chúng ta không nhắm đến sử dụng công nghệ siêu thanh để chế tạo vũ khí. Tuy nhiên, những người cố gắng trở thành đối thủ của chúng ta đã quyết định biến công nghệ này thành vũ khí, tạo ra sự bất cân xứng trong khả năng chiến đấu mà chúng ta cần khắc phục". Theo ông Carver, sáng chế vũ khí siêu thanh hiện là ưu tiên nghiên cứu và kỹ thuật cao nhất của Mỹ.