Ông Peskov nói: "Chúng tôi hoan nghênh ý chí chính trị (của Mỹ) đối với việc gia hạn hiệp ước này”.
Ông Peskov nói thêm rằng mọi quyết định về việc gia hạn hiệp ước sẽ tùy thuộc vào chi tiết đề nghị từ phía Washington. Ông nói Moskva cần thêm thời gian để nghiên cứu đề xuất của chính quyền Mỹ, đồng thời lưu ý rằng các điều kiện gia hạn hiệp ước được Mỹ đưa ra trước đây không phù hợp với quan điểm của Nga.
Trước đó, ngày 21/1, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn kéo dài New START thêm 5 năm. New START là hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại Nga và Mỹ, dự kiến hết hiệu lực vào ngày 5/2 tới.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 21/1 cho biết Mỹ sẽ vận động gia hạn 5 năm hiệp ước này và việc gia hạn là cần thiết hơn bao giờ hết do quan hệ Nga - Mỹ còn tồn tại nhiều bất đồng. Thông báo từ chính quyền của tân Tổng thống Biden nêu rõ việc gia hạn hiệp ước này nhằm tránh một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, song ông Biden sẽ không tìm cách "cài đặt lại" quan hệ với Nga dưới mọi hình thức.
New START được lãnh đạo Nga và Mỹ ký vào năm 2010 và chính thức có hiệu lực vào ngày 5/2/2011. Các điều khoản trong hiệp ước này quy định mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình sau 7 năm kể từ khi ký hiệp ước và tiếp sau đó tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã triển khai và chưa triển khai.
Thỏa thuận quy định Nga và Mỹ mỗi năm 2 lần phải trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và các phương tiện mang phóng. Ngày 5/2/2018 là thời hạn chót để Nga và Mỹ đạt được các chỉ tiêu quy định trong New START và sau đó đến 5/2/2021 hai bên cần phải ký gia hạn hiệp ước.