Nếu buộc phải rời căn cứ Incirlik, Mỹ sẽ mất những gì?

Nếu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị người Mỹ đóng gói đồ đạc và rời khỏi căn cứ không quân Incirlik, điều này rõ ràng làm giảm khả sức mạnh chiến đấu của Không quân Mỹ tại Trung Đông.

Chú thích ảnh
Máy bay C-17A Globemaster III của Mỹ bay bên trên một ngọn tháp quan sát ở căn cứ không quân Incirlik. Ảnh: Reuters

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Ankara có thể đóng cửa căn cứ không quân Incirlik và Kurecik của Mỹ tại nước này để đáp trả các biện pháp cấm vận. Lầu Năm Góc đang nỗ lực hết khả năng để giữ mối quan hệ với Ankara không bị rối tung lên. 

Kênh truyền hình Nga RT đưa tin căn cứ không quân Incirlik có đường băng dài 3.048 mét, có thể tiếp đón mọi loại máy bay, kể cả máy bay ném bom chiến lược. Tại cơ sở quân sự trọng yếu này, Mỹ xây dựng các khu vực điều máy bay, nhà chờ, nhà kho, trung tâm liên lạc cũng như lắp đặt thiết bị định vị, phát thanh và ánh sáng, đơn vị chỉ huy cùng khu vực bảo trì. Quân đội Mỹ cũng cất trữ 40 quả bom hạt nhân B61 ở đây. 

Incirlik là nơi đóng quân của Không đoàn 10 thuộc Bộ tư lệnh số 2 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ và Không đoàn 39 của Không quân Mỹ. Ước tính có khoảng 5.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại đây. 

Incirlik là nơi trú ẩn của máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-135 Stratotanker. Những chiếc máy bay phản lực này đã tham gia vào các chiến dịch ở Syria và Iraq. Ngoài ra còn có máy bay trinh sát và máy bay không người lái ở căn cứ.

Không quân Mỹ đã sử dụng căn cứ Incirlik từ thời cuộc khủng hoảng Lebanon năm 1958, Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991, Chiến dịch Cáo Sa mạc năm 1998, các cuộc chiến tại Afghanistan từ năm 2001 đến nay, cũng như tại Iraq và Syria. 

Đòn bẩy tại khu vực

Chú thích ảnh
Máy bay chiến đấu Thunderbolt II của Mỹ tại Incirlik. Ảnh: Reuters

Nếu Tổng thống Erdogan đề nghị người Mỹ đóng gói đồ đạc và rời đi, điều này rõ ràng làm giảm khả sức mạnh chiến đấu của Không quân Mỹ tại Trung Đông. Incirlik đã mang cho Washington một đòn bẩy quan trọng trong quan hệ với các nước khu vực cũng như khả năng tác động đến các tình huống chính trị và quân sự ở những nước này. 

Vì vậy, nếu Mỹ để mất căn cứ không quân Incirlik, điều này sẽ giảm nghiêm trọng tiềm lực phòng vệ và tấn công, đặc biệt là trong trường hợp mà nước này đánh giá Iran là một nguy cơ đe dọa. Tổng thống Erdogan hiểu rõ tất cả. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ biết nên dùng chiêu gì để giành phần thắng. 

Những mất mát to lớn khác

Một tài sản quan trọng khác của các lực lượng vũ trang Mỹ và hệ thống phòng thủ tên lửa trọng yếu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chính là hệ thống radar di động đặt tại căn cứ Kurecik ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới Syria không xa. Trạm radar này nằm tại tỉnh Malayta ở độ cao 2.100 mét so với mực nước biển. Nó có thể phát hiện tên lửa đạn đạo với phạm vi hoạt động lên đến 1.000 km. Để mất trạm radar này sẽ giới hạn đáng kể khả năng cảnh báo tên lửa của NATO. 

Đối với số vũ khí hạt nhân của Mỹ cất trữ tại Incirlik, rất có thể chúng không còn ở đó nữa. Có lý do để tin rằng người Mỹ đã di chuyển vũ khí hạt nhân ngay sau cuộc đảo chính không thành công tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 7/ 2016. Vì vậy, có khả năng các nhà kho chứa bom B61 ở Incirlik đang bị bỏ trống. 

Liên minh bị chia cắt

Quân đội Mỹ sẽ mất bao lâu để đóng gói đồ đạc nhằm đáp ứng thời hạn rời đi chặt chẽ mà Tổng thống Erdogan sẽ đặt ra nếu kịch bản này thành hiện thực? Các máy bay vận tải Mỹ chỉ cần vài giờ để sơ tán toàn bộ. Radar AN/TPY-2 có thể được đặt gọn trong một chiếc Boeing C-17 Globemaster III rồi chuyển đến căn cứ gần nhất của châu Âu.

Tuy nhiên, sẽ thật khó để tính toán số tiền mà Washington đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở đây. Những công trình xây dựng dài hạn không thể dịch chuyển được bằng máy bay hay tàu hỏa. Thật phí phạm nếu Mỹ từ bỏ những tài sản như căn cứ không quân tại Incirlik. Giá trị địa chính trị của căn cứ rất đặc biệt.

Cuối cùng, Ankara và Washington có thể đi đến một số hình thức thỏa thuận hoặc thỏa hiệp. Những nỗ lực của Mỹ để gây sức ép đối với Tổng thống Erdogan có thể dẫn đến sự phân nhánh cực kỳ bất lợi, tiềm ẩn nguy cơ chia rẽ lớn trong liên minh NATO. 

Chắc chắn, Ankara vẫn còn phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nhiều loại vũ khí, phần cứng và phụ tùng từ phương Tây. Tuy nhiên, tư cách thành viên NATO không còn là nhu cầu thiết yếu đối với Ankara nữa. Khối quân sự này sẽ không giúp Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết loạt vấn đề quân sự và chính trị mà quốc gia này đang đối mặt, chẳng hạn như quan hệ với láng giềng Hy Lạp và tình hình các mỏ dự trữ dầu và khí đốt ngoài khơi Địa Trung Hải. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Đằng sau lời đe doạ đóng căn cứ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Erdogan
Đằng sau lời đe doạ đóng căn cứ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Erdogan

Giới phân tích cảnh báo lời đe dọa đóng cửa căn cứ then chốt của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ mà Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đưa ra không phải lời nói suông. Chính vì vậy, Washington nên cần thẩn trọng, hoặc không sẽ mất đi một đồng minh NATO.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN