Tuyên bố từ Phủ Tổng thống Tunisia cho biết 2 bên đã bàn thảo hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, an ninh, quốc phòng, chống khủng bố và những vấn đề khu vực mà cả 2 cùng quan tâm.
Đối với tình hình ở Libya, Tổng thống Saied nhấn mạnh giải pháp cho cuộc khủng hoảng cần được đưa ra dựa trên thỏa thuận giữa các phe phái của Lybia chứ không cần bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Ông cũng tái khẳng định Tunisia sẵn sàng cung cấp mọi phương tiện cần thiết để tìm ra một giải pháp chính trị nhằm duy trì sự thống nhất và ổn định của Libya vì Tunisia là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng ở Libya.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper cho biết Mỹ cũng sẵn sàng đóng góp tìm kiếm giải pháp hòa bình nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Libya và đạt được sự ổn định trong khu vực.
Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Kais Saied, ông Esper khẳng định hai bên mong muốn mở rộng mối quan hệ này để giúp Tunisia bảo vệ các cảng biển và biên giới đất liền, ngăn chặn khủng bố và đẩy lùi các nguy cơ đe doạ sự ổn định.
Trước đó, ông Esper cùng người đồng cấp Tunisia Ibrahim Bartaji đã ký một thỏa thuận về lộ trình hợp tác quân sự giữa hai nước trong giai đoạn 2020-2030. Theo một tuyên bố của Bộ quốc phòng Tunisia, lộ trình này nhằm mục đích tăng cường khả năng sẵn sàng của các lực lượng vũ trang Tunisia và phát triển khả năng đối mặt với các mối đe dọa và thách thức an ninh trong khu vực.
Trong thập kỷ qua, Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Tunisia đã hợp tác ngày càng chặt chẽ, đặc biệt trong đào tạo chống khủng bố và đảm bảo an ninh dọc biên giới của quốc gia Bắc Phi này, nơi các nhóm thánh chiến hoạt động mạnh và nguy cơ từ tình hình bất ổn của nước láng giềng Libya.
Năm 2015, Mỹ đã xác định Tunisia là đồng minh chính ngoài NATO, theo đó tăng cường hợp tác quân sự với quốc gia Bắc Phi này. Hai bên thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung. Theo Bộ Tư lệnh châu Phi của quân đội Mỹ, kể từ năm 2011, Washington đã đầu tư cho quân đội Tunisia hơn 1 tỷ USD.