Theo đài Sputnik (Nga) ngày 24/12, về mặt lịch sử và đặc biệt là kể từ khi NATO bắt đầu mở rộng về phía đông vào cuối những năm 1990, Mỹ đã lên kế hoạch di chuyển các cơ sở quân sự của mình càng gần biên giới Nga càng tốt, cùng với thái độ không coi trọng bất kỳ mối lo ngại an ninh nào của Moskva.
Mới nhất, Mỹ và Phần Lan đã ký một thỏa thuận cho phép Washington triển khai thêm quân gần biên giới Nga vào ngày 18/12. Hiệp ước mới cho phép Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự ở Phần Lan và cho phép Mỹ tiếp cận khoảng 15 căn cứ quân sự của quốc gia Bắc Âu này.
Động thái trên diễn ra ngay sau khi Phần Lan trở thành thành viên mới nhất của liên minh quân sự NATO do Mỹ đứng đầu, diễn ra trong bối cảnh Washington dường như muốn đảm bảo rằng các quốc gia thành viên NATO giáp biên giới Nga gây ra nhiều mối đe dọa nhất có thể cho Moskva.
Chỉ vài ngày trước khi ký hiệp ước với Phần Lan, Mỹ đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới với Estonia, một quốc gia vùng Baltic nhỏ bé nằm ở biên giới phía Tây của Nga và là thành viên của NATO từ năm 2004.
Thỏa thuận giai đoạn 2024-2028 bao gồm sự hợp tác giữa Mỹ và Estonia trong các lĩnh vực như mua sắm vũ khí và chiến tranh mạng. Thứ trưởng Quốc phòng Estonia Tuuli Duneton cho biết trọng tâm của thỏa thuận cũng là “sự hiện diện của quân đội Mỹ” tại quốc gia Baltic này.
Điều đó khác xa với thỏa thuận hợp tác quốc phòng đầu tiên mà Mỹ ký với Estonia trong thời gian gần đây, cũng như ký kết các thỏa thuận tương tự với hai quốc gia vùng Baltic khác là Latvia và Litva.
Đầu năm nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố một thỏa thuận an ninh mới với Litva, nhấn mạnh “cam kết hỗ trợ các yêu cầu chuyển giao ưu tiên để mua sắm các nguồn lực quốc phòng quan trọng”.
Trong khi đó, Latvia đã ký một thỏa thuận trị giá khoảng 105 triệu USD để mua hệ thống phòng thủ tên lửa ven biển của hải quân Mỹ, trong đó Washington cung cấp 70% chi phí vũ khí.
Những tên lửa chống hạm này có tầm bắn khoảng 200 km và với việc Nga hiện gần như là quốc gia duy nhất không thuộc NATO có sự hiện diện ở Biển Baltic, rất dễ hiểu những vũ khí này sẽ nhắm vào ai.
Vào tháng 8 vừa qua, Mỹ cũng phê duyệt việc bán gần 100 máy bay trực thăng tấn công AH-64 Apache cho Ba Lan, một thành viên NATO khác có chung đường biên giới với cả đồng minh của Nga là Belarus và vùng Kaliningrad của Nga.
Thương vụ diễn ra trong bối cảnh Ba Lan đang tăng cường hiện đại hóa quân sự, khi nước này gần đây đã tìm cách mua một số lượng lớn vũ khí từ Mỹ và Hàn Quốc, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực, bệ phóng tên lửa và hệ thống phòng không Patriot.