Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ (NNSA) đã có tuyên bố chính thức về vấn đề này. Theo tuyên bố của NNSA, khâu kiểm tra dự án cuối cùng đã hoàn thành một cách xuất sắc. Khâu sản xuất dự kiến bắt đầu từ tháng 9/2019 tại nhà máy Pantex, bang Texas.
Đến tháng 3/2020, lô sản phẩm đầu tiên sẽ bao gồm 500 quả bom. Tính từ khoảng thời gian đó thêm 1,5 năm, Mỹ sẽ bắt đầu triển khai loại vũ khí này ở Italy, Đức, Bỉ, Hà Lan và các quốc gia châu Âu khác trong nỗ lực thách thức sức mạnh của Nga.
Bom hạt nhân B61-12 được thiết kế với khả năng đâm xuyên mục tiêu để phá hủy các boongke được đặt làm trung tâm chỉ huy.
Vì Italy và các nước khác cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ, phi công và máy bay để triển khai B61-12, châu Âu sẽ sớm phải đối mặt với nguy cơ rủi ro lớn khi phải ra tiền tuyến trong cuộc đối đầu chương trình hạt nhân đang phát triển của Nga.
Một kịch bản nguy hiểm hơn nữa có nguy cơ xuất hiện, đó là sự trở lại của Khủng hoảng Tên lửa châu Âu (Euromissiles) đầu những năm 1980, khi Mỹ đem tên lửa hạt nhân tới triển khai tại châu Âu nhằm đối phó với tên lửa của Liên bang Xô viết. Loại tên lửa này bị cấm theo quy định của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký năm 1987.
Video thử nghiệm bom B61-12 (nguồn: Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ):
Năm 2014, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận khi thử nghiệm với một tên lửa hành trình (# 9M729) nằm trong danh sách cấm của hiệp ước. Tuy nhiên, Moskva phủ nhận rằng tên lửa thử nghiệm đã vi phạm hiệp ước INF và tố ngược Washington là người vi phạm thỏa thuận khi triển khai các tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và Romania.
Đến năm 2015, chính quyền Tổng thống Obama thông báo Mỹ đang cân nhắc triển khai tên lửa mặt đất tại châu Âu, vì Nga vi phạm hiệp định INF. Sau này, chính quyền của Tổng thống Donald Trump xác nhận trong năm tài chính 2018, Quốc hội thông qua “chương trình nghiên cứu và phát triển tên lửa hành trình có thể được phóng từ một bệ phóng di động”.
Kế hoạch trên cũng được NATO ủng hộ. Hội nghị của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương cấp Bộ trưởng Quốc phòng tuyên bố: "Hiệp định INF gặp nguy hiểm vì hành động của Nga", và cáo buộc Nga đang triển khai “một hệ thống tên lửa đáng lo ngại tạo thành một nguy cơ nghiêm trọng cho an ninh của NATO”. Chính vì vậy, "NATO phải duy trì lực lượng hạt nhân ổn định, đáng tin cậy và hiệu quả".