Theo tờ Nezavisimaya Gazeta (Nga) ngày 23/9, các chuyên gia quân sự Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các hành động của quân đội Nga trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva ở Ukraine.
Báo trên cho rằng thông tin và công việc phân tích của Mỹ không chỉ giới hạn trong việc quan sát đơn thuần. Việc thu thập và phân tích kết quả sử dụng vũ khí, quân trang và thiết bị đặc biệt (AMSE) trong các điều kiện khác nhau đang được thực hiện. Mục tiêu cuối cùng của hoạt động này là phát triển các đề xuất cho giới lãnh đạo chính trị và quân sự hàng đầu của Mỹ để xác định phương thức tiếp theo cho quá trình hiện đại hóa quân đội nước này.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ đã rút ra những bài học kinh nghiệm nhất định cho mình, điều chỉnh kế hoạch huấn luyện chiến đấu của quân đội và thay đổi các ưu tiên quân sự - kỹ thuật của tổ hợp công nghiệp - quân sự quốc gia.
Như Greg Hayes, Giám đốc điều hành của tập đoàn vũ khí Mỹ Raytheon Technologies, lưu ý xung đột ở Ukraine có thể thay đổi kế hoạch mua vũ khí và trang thiết bị quân sự của Lầu Năm Góc.
Trong gần hai thập kỷ qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi hàng tỷ USD để mua các loại vũ khí phù hợp để chống lại các nhóm vũ trang bất hợp pháp ở Trung Đông, đặc biệt là Afghanistan. Giờ đây, khi đối đầu với Nga và Trung Quốc, phương hướng phát triển của quân đội Mỹ đang thay đổi: Lầu Năm Góc sẽ tập trung vào việc phát triển và mua máy bay ném bom tầm xa, vũ khí siêu thanh (siêu vượt âm), vũ khí vệ tinh,...
Ngoài ra, bộ quốc phòng Mỹ sẽ tập trung giải quyết vấn đề bảo vệ các thiết bị quân sự và tàu chiến đắt tiền trước các cuộc tấn công tiềm tàng. Thực tiễn đã chỉ ra rằng các mục tiêu lớn và cơ động chậm có thể bị vô hiệu hóa bằng một tên lửa hoặc máy bay không người lái có vũ trang.
Về vấn đề lập kế hoạch chiến lược, các điều chỉnh cũng sẽ được thực hiện đối với kế hoạch chiến tranh du kích chống lại Nga do Mỹ phát triển cho Bộ Tổng tham mưu Ukraine. Một số dấu hiệu liên quan đến cuộc đối đầu vũ trang ở Ukraine cho thấy Kiev đang sử dụng các phương pháp của cái gọi là "Khái niệm Tác chiến Kháng chiến" (ROC), được phát triển bởi Bộ chỉ huy Lực lượng Hoạt động Đặc biệt Mỹ (SOF) cùng với các lực lượng đặc biệt Thụy Điển trong năm 2013-2014.
Liên quan đến tầm nhìn mới về các hoạt động quân sự trong tương lai, Bộ tư lệnh Các lực lượng vũ trang Mỹ đã điều chỉnh hướng dẫn thực địa trong đó xác định việc huấn luyện chiến đấu của các lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó, các chuyên gia quân sự Mỹ cũng đang xem xét khả năng tăng cường tài trợ cho các lực lượng tác chiến tâm lý, cũng như thay đổi chiến thuật hoạt động tấn công của họ trên không gian mạng.
Về lực lượng đặc biệt, các bài học mà quân đội Mỹ rút ra từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là tăng cường phối hợp giữa bộ ba tác chiến: lực lượng đặc biệt, lực lượng vũ trụ và các đơn vị không gian mạng; xây dựng chương trình đào tạo cho những đơn vị vận hành và sử dụng các phương tiện bay không người lái cỡ nhỏ (UAV); thay đổi cơ cấu tổ chức và biên chế của các đơn vị lực lượng đặc biệt,...