Trước đó, Lầu Năm Góc thông báo Lục quân Mỹ đã giao hợp đồng gia hạn trị giá gần 34 triệu USD cho nhà sản xuất phương tiện quân sự General Dynamics Land Systems (GDLS), cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams, bao gồm những chiếc được cung cấp cho Ukraine.
Dẫn lời Trợ lý Bộ trưởng Lục quân Mỹ phụ trách Mua sắm, Hậu cần và Công nghệ Douglas Bush, truyền thông Mỹ đưa tin Washington đã phê chuẩn việc vận chuyển lô xe tăng Abrams đầu tiên tới Kiev.
"Bây giờ lô xe tăng sẽ được đưa đến châu Âu, rồi đến Ukraine, cùng với tất cả những thứ mang theo. Đạn dược, phụ tùng thay thế, thiết bị nhiên liệu, cơ sở sửa chữa. Đó không chỉ đơn thuần là một xe tăng, mà là một gói đầy đủ đi kèm”, quan chức quân sự cho hay.
Cuối tháng 7, các phương tiện truyền thông đưa tin lô xe tăng đầu tiên mà chính quyền Tổng thống Joe Biden chuyển giao cho Ukraine sẽ bao gồm không quá 8 phương tiện. Tổng cộng, Washington dự định gửi cho Kiev 31 xe tăng Abrams phiên bản cũ, cụ thể là các mẫu M1A1.
Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine kể từ tháng 2/2022. Kể từ đó, Washington và các đồng minh đã cung cấp hơn 65 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Kiev, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams và Leopard, pháo và xe bọc thép, các tên lửa hành trình tầm xa cùng các hệ thống phòng không, đồng thời cam kết cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cũng như đào tạo phi công để vận hành máy bay.
Năm ngoái, Nga đã gửi một công hàm tới các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lưu ý bất kỳ chuyến hàng nào chứa vũ khí cho Kiev sẽ là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các nước NATO đang "đùa với lửa" khi cung cấp vũ khí cho Ukraine.