Quyết định của Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán quốc tế tại Saudi Arabia vào cuối tuần qua tìm cách chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine báo hiệu những thay đổi tiềm năng ra trong cách tiếp cận của Bắc Kinh, hãng tin Reuters ngày 6/8 dẫn nhận định của các nhà phân tích cho biết.
Trong khi Bắc Kinh từ chối tham gia các cuộc đàm phán trước đó ở Đan Mạch, thành viên NATO, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc "cảm thấy thoải mái hơn nhiều" khi tham gia cuộc họp ở Saudi Arabia, ngay cả khi Nga không có đại diện tham dự và Ukraine đang thúc đẩy kế hoạch hòa bình của riêng mình.
Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine của riêng mình, nhưng dường như đang phải đối mặt với một số thực tế khó khăn do xung đột kéo dài.
“Trung Quốc đang hướng nhiều hơn đến các nỗ lực hòa giải nhưng họ cũng biết rằng sáng kiến hòa bình do Bắc Kinh đưa ra khó có thể được phương Tây chấp nhận vào thời điểm này. Trung Quốc sẽ không muốn vắng mặt trong các sáng kiến hòa bình đáng tin cậy khác do các quốc gia không phải phương Tây dẫn đầu”, Yun Sun, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn có trụ sở ở Washington D.C nhận định.
Đặc phái viên hòa bình của Trung Quốc Li Hui đã tham dự cuộc họp cùng các quan chức cấp cao từ khoảng 40 quốc gia khác tại Jeddah (Saudi Arabia), Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo, một sự kiện mà các đại diện từ Ukraine và phương Tây hy vọng sẽ tạo ra các nguyên tắc chính cho một giải pháp cuối cùng để chấm dứt xung đột.
Động thái mới nhất của Trung Quốc trên trường ngoại giao toàn cầu diễn ra sau khi nước này không tham dự các cuộc đàm phán ở Copenhagen (Đan Mạch) vào cuối tháng 6 vừa qua, mặc dù được mời và đã đề xuất kế hoạch hòa bình 12 điểm của riêng mình.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba gọi sự tham dự của ông Li là một "bước đột phá đáng kể", theo truyền thông Ukraine. Tờ Financial Times (Anh) đưa tin rằng các đồng minh phương Tây của Ukraine hoan nghênh động thái của Trung Quốc, coi đó là sự thay đổi Bắc Kinh đối với cả Moskva và Kiev.
Bắc Kinh đã duy trì quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ với Moskva kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, đồng thời cáo buộc các lực lượng phương Tây do Mỹ đứng đầu đang tìm cách kéo dài cuộc xung đột thông qua cung cấp vũ khí và hỗ trợ cho Ukraine.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng có mối quan hệ tốt với Saudi Arabia, một "gã khổng lồ về dầu mỏ" thuộc nhóm gọi là "Nam bán cầu" không liên kết.
Đánh giá về cuộc họp, học giả quan hệ quốc tế Shen Dingli ở Thượng Hải nhận định với Reuters: "Chúng tôi có thể đưa ra các ý kiến khác nhau và cũng có thể đưa ra một số đề xuất để sớm cùng nhau thúc đẩy một giải pháp chính trị cho các vấn đề mà chúng tôi thấy”.
Về phần mình, nhà phân tích Li Mingjiang, Phó Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam có trụ sở tại Singapore cho biết Bắc Kinh muốn hiểu rõ hơn về lập trường của các bên liên quan khác và "có lẽ cũng đang nỗ lực khám phá không gian về khả năng thích ứng, khả năng linh hoạt của chính Trung Quốc".
Diễn biến đó diễn ra khi một số nhà phân tích phát hiện ra những thách thức ngày càng tăng với Trung Quốc trước nguy cơ kéo dài của cuộc xung đột. Geng Shuang, Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc, nói tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an vào ngày 26/7 rằng Bắc Kinh quan ngại sâu sắc về khả năng giao tranh sẽ không có hồi kết.
Moritz Rudolf, một học giả tại Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai thuộc Trường Luật Yale, nêu quan điểm: "Hiện tại, tình hình ngày càng phức tạp để Bắc Kinh linh hoạt, vì sự leo thang của xung đột ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế và chính trị của Trung Quốc”.