Lý do Hàn Quốc phát triển hệ thống phòng thủ kiểu ‘Vòm sắt’ từ Israel

Ước tính Triều Tiên có khoảng 10.000 khẩu pháo các loại, trong đó có cả dàn phóng rocket đa nòng bố trí dọc biên giới giáp Hàn Quốc, hướng về thủ đô Seoul.

Chú thích ảnh
Hệ thống Vòm Sắt của Israel (trái) đánh chặn rocket do Hamas phóng lên từ Gaza. Ảnh: AFP

Seoul, thành phố nằm ở phía nam Hàn Quốc, đang phát triển hệ thống phòng thủ mới chuyên chống pháo và rocket tầm ngắn dựa trên mô hình hệ thống phòng thủ Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel, nhằm tăng cường hơn nữa tiềm lực quân sự của mình trên một bán đảo mà về mặt kĩ thuật hiện vẫn đang trong thời kỳ chiến tranh. Chính phủ Hàn Quốc hồi tháng trước thông báo kế hoạch chi 2,5 tỉ USD để nghiên cứu, phát triển và bố trí hệ thống phòng thủ mới này vào năm 2035.

Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) tạm khép lại bằng một thỏa thuận đình chiến, chứ không phải một hiệp định hòa bình. Kể từ thời điểm đó đến nay, hai miền Triều Tiên không ngừng bố trí lực lượng, vũ khí dọc theo khu phi quân sự (DMZ) phân chia giới tuyến giữa hai bên. Triều Tiên trong những năm gần đây còn phát triển tên lửa đạn đạo, sức mạnh hạt nhân. Hệ thống phòng thủ mới của Hàn Quốc không có khả năng chống lại những vũ khí này, nhưng dư sức đánh chặn pháo và rocket tầm ngắn được phóng đi từ phía Triều Tiên.

Ước tính Triều Tiên có khoảng 10.000 khẩu pháo, trong đó có nhiều dàn phóng rocket đa nòng, được bố trí sát DMZ, chỉ cách vùng thủ đô Seoul chưa đến 100 km, khu vực với hơn 25 triệu dân, chiếm 50% dân số Hàn Quốc. Hệ thống phòng thủ mới hướng đến mục tiêu bảo vệ thủ đô Seoul cùng với những cơ sở trọng yếu, hạ tầng quân sự an ninh then chốt trước khả năng tấn công ồ ạt từ Triều Tiên. Công cụ chủ yếu là hệ thống đánh chặn tên lửa, rocket. Nhưng các tổ hợp này sẽ phải có được sức mạnh lớn hơn hệ thống Vòm Sắt của Israel.

Chú thích ảnh
Triều Tiên phô diễn sức mạnh quân sự tại lễ duyệt binh hồi tháng 1 vừa qua tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters

“Vòm Sắt dùng để đánh chặn rocket do các nhóm vũ trang như Hamas và một vài lực lượng phi thông thường phóng đi. Một phần trong hệ thống phòng thủ mới [của Hàn Quốc] sẽ có điểm tương đồng với Vòm Sắt. Nhưng tổ hợp mà chúng tôi muốn hướng tới phải có khả năng đánh chặn pháo tầm xa từ Triều Tiên và vì thế nó đòi hỏi công nghệ ở tầm cao hơn, xét đến bối cảnh an ninh hiện nay”, Đại tá Suh Yong-won, phát ngôn viên Cơ quan phụ trách chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) phát biểu hồi tháng 6/2021. Đây cũng là lý do khiến hệ thống của Triều Tiên tốn kém hơn về chi phí so với Vòm Sắt.

Giới phân tích cũng lưu ý đến một thực tế khác: Lượng đầu đạn, rocket, vận thể bay mà Israel phải đánh chặn sẽ ít hơn nhiều so với Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra đụng độ với Triều Tiên. Trong 10 ngày xung đột vừa qua, phái Hamas bắn tổng cộng 4.300 rocket từ Gaza nhằm về hướng Israel. Nhưng Triều Tiên khi huy động hết các chủng loại pháo, dàn phóng rocket có thể khai hỏa tầm 16.000 loạt phóng chỉ sau một giờ - theo thông tin được tờ Hankyoreh đăng tải. Đó sẽ là một thách thức không hề nhỏ trong lựa chọn giải pháp đối phó.

Nhưng các chuyên gia cũng tin tưởng rằng, Hàn Quốc có đủ sức phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa có thể chống đỡ được pháo, rocket phóng từ Triều Tiên. Vấn đề còn lại là mức giá, chi phí. Đối với một số nước, an ninh quốc gia, đặc biệt là chi tiêu quân sự luôn vượt khỏi những phân tích về lợi ích-chi phí thông thường. “Không có lựa chọn với Hàn Quốc khi ở vào tình thế khó khăn. Seoul lo ngại Triều Tiên có thể bắn pháo tầm xa mà không sợ bị tấn công đáp trả”, ông Jo Dong Joon, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Quốc gia Seoul bình luận.

Động cơ thôi thúc phát triển hệ thống phòng thủ xuất hiện từ năm 2010, sau khi Triều Tiên bắn pháo vào khu vực đảo tiền tiêu Yeonpyeong làm bốn người Hàn Quốc thiệt mạng. Theo điều tra của tờ Hankyoreh newspaper, sau “sự cố Yeonpyeong”, chính quyền Seoul tính thiết lập một hệ thống Vòm Sắt, nhưng sau đó hủy bỏ vì thấy không hợp lý. Ưu tiên tại thời điểm đó là tìm cách hủy diệt nguồn phóng hỏa lực của đối phương, cụ thể là các trận địa pháo, bệ rocket.

Vì lý do đó, Hàn Quốc năm ngoái đưa vào sử dụng hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Cheongung (KTSSM), được mệnh danh là “sát thủ diệt pháo”. Tên lửa có tầm 120 km, được thiết kế chuyên để diệt pháo của Triều Tiên. Tuy nhiên hệ thống KTSSM sẽ phải mất nhiều thời gian để định vị và diệt nguồn phát hỏa lực – đó là các khẩu đội pháo và dàn phóng rocket đa nòng, giúp Bình Nhưỡng có đủ thời gian để tấn công, đánh phá các cơ sở chủ chốt ở Seoul.

Hệ thống phòng thủ kiểu Vòm Sắt sẽ giúp bổ sung, chống lại mối đe dọa này, nhất là khi được kết hợp với Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã được triển khai để chống tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Một số chuyên gia tin rằng, khi hóa giải được mối đe dọa pháo, rocket dọc DMZ, Hàn Quốc sẽ không còn phải thường xuyên đối diện với mối đe doạ như vụ bắn pháo vào đảo Yeonpyeong hồi năm 2010.

Hoài Thanh/Báo Tin tức
Mỹ cam kết duy trì quân số phù hợp tại Hàn Quốc
Mỹ cam kết duy trì quân số phù hợp tại Hàn Quốc

Mỹ tiếp tục cam kết phòng thủ chung với Hàn Quốc, bao gồm việc duy trì các lực lượng của nước này trên Bán đảo Triều Tiên ở mức độ phù hợp để “ngăn ngừa các mối đe dọa”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN