“Một phần quan trọng của sức mạnh hạt nhân Nga nằm trên các tàu ngầm và tàu mặt nước của Hạm đội Phương Bắc”, tờ Politico dẫn báo cáo thường niên của giới chức tình báo Na Uy nêu rõ.
Những chiến hạm của Hạm đội Phương Bắc dưới thời Liên Xô cũ thường xuyên ra khơi với vũ khí hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng đây là lần đầu tiên nước Nga hiện đại làm điều tương tự.
Mặc dù Nga cũng có tiềm lực về tàu ngầm, vũ khí chống vệ tinh và tấn công không gian mạng để đe dọa Na Uy và liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng vũ khí hạt nhân chiến thuật là mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng trong một số tình huống tác chiến mà các nước NATO có thể tham gia.
Tình báo Na Uy cũng lưu ý rằng không thể loại trừ khả năng một cuộc chiến tranh cục bộ leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn liên quan đến Mỹ, NATO và Na Uy.
Cơ quan này đánh giá rằng mặc dù Nga sẽ duy trì, hiện đại hóa và phát triển kho vũ khí hạt nhân của họ, song dự kiến không có thay đổi đáng kể nào trong học thuyết hạt nhân trong những năm tới.
Trước đó, phía Nga cũng đã nêu rõ quan điểm về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trong cuộc họp báo hồi tháng 12/2022, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo rằng bất kỳ cuộc xung đột nào giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, ngay cả khi bắt đầu bằng vũ khí thông thường, đều có khả năng leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cảnh báo việc Mỹ cung cấp vũ khí tiên tiến hơn cho Ukraine sẽ chỉ gây ra nhiều cuộc tấn công trả đũa hơn từ Moskva, trong phạm vi học thuyết hạt nhân của Nga.