Với ba địa điểm tấn công nằm cách xa nhau như vậy, cuộc chiến kéo dài hai tuần qua giữa Israel và Hamas có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn.
Israel đã tấn công đáp tả phong trào Hezbollah tại Liban gần như hằng ngày, kể từ khi cuộc chiến ở Gaza nổ ra. Căng thẳng cũng đang gia tăng ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng. Tại đây, lực lượng Israel đã chiến đấu với các tay súng trong các trại tị nạn và tiến hành hai cuộc không kích trong những ngày gần đây.
Nhiều ngày qua, Israel dường như trong động thái sẵn sàng phát động một cuộc tấn công trên bộ ở Gaza để trút lửa thịnh nộ vào phong trào Hamas - lực lượng bất ngờ tấn công xuyên biên giới Israel vào ngày 7/10. Xe tăng và hàng chục nghìn binh sĩ đã tập trung phong tỏa Gaza. Giới chức lãnh đạo Israel đã nói về giai đoạn tiếp theo trong chiến dịch.
Nhưng Israel thừa nhận vẫn còn hàng trăm nghìn thường dân Palestine ở phía Bắc Gaza, bất chấp yêu cầu sơ tán sâu rộng. Yếu tố này sẽ gây cản trở bất kỳ cuộc tấn công trên bộ nào. Và nguy cơ thổi bùng một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn với các đồng minh của Hamas tại Liban và Syria cũng có thể khiến Tel Aviv phải tạm dừng ý định tấn công trên bộ.
Hôm 21/10, 20 xe tải viện trợ đã được phép đi vào Gaza qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập. Đây là lần đầu tiên hàng hóa được đưa vào lãnh thổ này kể từ khi Israel áp đặt lệnh phong tỏa cách đây hai tuần.
Các nhân viên cứu trợ cho biết số hàng viện trợ đó là quá ít để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang gia tăng ở Gaza, nơi có một nửa trong số 2,3 triệu dân đã phải rời bỏ nhà cửa. Các bệnh viện chật kín đang cạn kiệt nguồn vật tư y tế và nhiên liệu cho máy phát điện, buộc các bác sĩ phải phẫu thuật bằng kim khâu, dùng giấm ăn làm chất khử trùng mà không gây mê cho bệnh nhân.
Người Palestine trú ẩn tại các trường học và lều trại do Liên hợp quốc (LHQ) điều hành đang cạn kiệt lương thực và uống nước bẩn. Nhà máy điện duy nhất của lãnh thổ đã ngừng hoạt động hơn một tuần trước, gây mất điện trên, đồng thời làm tê liệt hệ thống nước và vệ sinh. Các trường hợp mắc bệnh thủy đậu, ghẻ và tiêu chảy đang gia tăng do thiếu nước sạch.
Bộ Nội vụ Gaza đã báo cáo về các vụ không kích dữ dội của Israel vào đêm 21/10 và rạng sáng 22/10. Quân đội Israel tuyên bố đang tấn công các thành viên và cơ sở của Hamas, nhưng không nhằm vào dân thường. Trong khi đó, Hamas tiếp tục tấn công tên lửa vào Israel mỗi ngày.
Truyền thông Israel đưa tin Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu đã triệu tập Nội các vào cuối ngày 21/10 để thảo luận về cuộc tấn công trên bộ dự kiến. Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari cho biết Israel có kế hoạch tăng cường không kích từ ngày 21/10 để chuẩn bị cho “giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến”.
Israel tuyên bố sẽ tiêu diệt Hamas nhưng không đưa ra nhiều chi tiết về những gì nước này dự kiến tại Gaza nếu thành công. Bộ trưởng Nội các Yifat Shasha-Biton nói với Kênh 13 TV rằng chính phủ đã nhất trí về việc phải có một “vùng đệm” ở Gaza để ngăn người Palestine tiếp cận biên giới.
Một cuộc tấn công trên bộ của Israel sẽ dẫn tới sự gia tăng đáng kể về thương vong cho cả hai bên. Hơn 1.400 người ở Israel đã thiệt mạng vì giao tranh - chủ yếu là nạn nhântrong cuộc tấn công ban đầu của Hamas. Ít nhất 210 người bị bắt cóc vào Gaza, bao gồm cả người già, phụ nữ, trẻ em.
Theo Bộ Y tế Palestine, hơn 4.300 người đã thiệt mạng ở Gaza. Con số này bao gồm cả các nạn nhân tại vụ nổ bệnh viện.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Syria đưa tin Israel đã không kích nhằm vào các sân bay quốc tế ở thủ đô Damascus và thành phố phía Bắc Aleppo. Hãng thông tấn SANA cho biết vụ tấn công đã làm một người thiệt mạng và khiến hai sân bay trên dừng hoạt động vì hỏng đường băng.
Israel đã tiến hành một số cuộc tấn công ở Syria, kể từ khi xung đột nổ ra ở Gaza. Israel hiếm khi thừa nhận các vụ tấn công riêng lẻ, nhưng tuyên bố hành động để ngăn chặn Hezbollah và các nhóm chiến binh khác.
Tại Liban, Hezbollah cho biết 6 chiến binh đã thiệt mạng hôm 21/10. Phó thủ lĩnh Naim Kassem cảnh cáo Tel Aviv sẽ phải trả giá đắt nếu bắt đầu một cuộc tấn công trên bộ ở Dải Gaza. Israel cho biết sẽ tiếp tục đáp trả vụ bắn tên lửa từ Liban.
Tại Bờ Tây, hàng chục người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với quân đội Israel, các cuộc đột kích và tấn công của những người định cư Do Thái. Lực lượng Israel đã đóng cửa các cửa khẩu và các trạm kiểm soát giữa những thành phố.
Chính quyền Palestine được quốc tế công nhận quản lý các khu vực ở Bờ Tây và hợp tác với Israel về an ninh, nhưng cơ quan này không được lòng dân và là mục tiêu của các cuộc biểu tình bạo lực của người Palestine.
Theo Bộ Y tế Palestine, ít nhất 5 người tại đã thiệt mạng trong các vụ tấn công xảy ra vào sáng sớm 22/10. Hai người thiệt mạng trong một cuộc không kích vào một nhà thờ Hồi giáo ở thị trấn Jenin, nơi chứng kiến những cuộc đấu súng dữ dội giữa các tay súng Palestine và quân đội Israel trong năm qua.
Quân đội Israel đưa ra lý do là khu nhà thờ Hồi giáo này là nơi trú ẩn của các thành viên Hamas và Islamic Jihad.
Tổng số người chết ở Bờ Tây đã bị nâng lên 90 người kể từ khi chiến tranh nổ ra vào ngày 7/10.
Tại Gaza, quân đội Israel nhận định tình hình nhân đạo “ở trong tầm kiểm soát” khi các nhân viên cứu trợ kêu gọi mở hành lang viện trợ suốt ngày đêm.
Cơ quan nhân đạo của LHQ, được gọi là OCHA, cho biết chuyến hàng hôm 21/10 chỉ tương ứng với khoảng 4% lượng hàng nhập khẩu trung bình trong một ngày trước khi xảy ra giao tranh. Nó là một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế sau 13 ngày bị bao vây hoàn toàn. OCHA đang kêu gọi đưa 100 xe tải mỗi ngày vào Gaza. Một lượng lớn viện trợ đã được tập trung ở phía bên kia cửa khẩu Rafah.
Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ cam kết rằng dân thường ở Gaza sẽ tiếp tục được tiếp cận với thực phẩm, nước uống, chăm sóc y tế và các hỗ trợ khác mà không bị ảnh hưởng bởi chiến dịch tấn công Hamas.
Washington cũng sẽ nỗ lực để mở cửa Rafah và cho phép công dân Mỹ rời khỏi Gaza. Nhưng hàng trăm người mang hộ chiếu nước ngoài tập trung tại cửa khẩu hôm 21/10 đã không thể rời đi sau khi đoàn xe viện trợ tiến vào.
Công dân Mỹ Dina al-Khatib cho biết cô và gia đình đang rất mong muốn được ra ngoài. “Nó không giống như những cuộc chiến trước đây. Không điện, không nước, không internet, không có gì cả”, cô Dina chia sẻ.