Hải quân Mỹ khai tử chương trình súng điện từ đình đám một thời

Dự án 500 triệu USD để chế tạo pháo điện từ cho hải quân Mỹ, loại vũ khí có khả năng đánh chặn vật thể bay ở tốc độ siêu thanh, đã chính thức bị khai tử.

Chú thích ảnh
Pháo điện từ được Mỹ thử nghiệm năm 2017. Ảnh: US Navy.

Ngân sách chi cho Hải quân Mỹ năm tài khóa 2022 không có khoản chi cho nghiên cứu, phát triển pháo điện tử. Việc khai tử loại vũ khí này xuất phát từ thay đổi trong định hướng của hải quân, thiên về phát triển các chủng loại vũ khí nhanh hơn, tầm bắn mạnh hơn, đủ sức tiêu diệt tàu chiến và mục tiêu trên đất liền của đối phương trong điều kiện nổ ra một cuộc chiến tranh lớn. 

Pháo điện từ có thiết kế, nguyên lý hoạt động khác với súng, pháo lựu thông thường. Pháo điện từ không sử dụng chất nổ mà tận dụng năng lượng của các đường ray điện từ để đẩy đầu đạn lao đi với vận tốc tới 7.200 km/h, gấp gần 6 lần âm thanh và nhanh hơn nhiều so với đạn pháo thông thường. Tầm bắn lớn và tốc độ phản ứng nhanh của pháo điện từ được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho những tàu chiến được trang bị vũ khí này. Pháo điện từ về lý thuyết được cho là an toàn hơn so với súng, pháo thông thường. 

Nhưng loại vũ khí này cũng có nhiều vấn đề khiến hải quân Mỹ phải từ bỏ. Pháo điện từ được Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ (ONR) bắt tay triển khai từ hồi năm 2005, với mục tiêu tạo ra loại vũ khí có thể tiêu diệt nhiều loại mục tiêu như tàu chiến, máy bay, tên lửa và cơ sở hạ tầng trên mặt đất từ khoảng cách 160 km. Đến nay, hải quân Mỹ mới tích hợp được pháo điện từ trên ba tàu khu trục lớp Zumwalt. Nếu muốn lắp đặt thêm trên các tàu chiến khác, phải chờ đến cuối thập kỉ này, thời điểm Mỹ bắt đầu phát triển loại tàu khu trục thế hệ mới DDG(X).

Tác chiến của pháo điện từ hiện cũng không còn phù hợp với định hướng cải tổ của hải quân Mỹ để thích ứng với kịch bản xung đột siêu cường, nhất là nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh với Nga hay Trung Quốc. Tầm bắn từ 90-160 km của pháo điện tử là quá ngắn, vô tình đặt các tàu có tích hợp pháo nằm trong tầm khống chế của các loại vũ khí tầm xa, nhất là tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc. 

Thêm nữa, pháo điện từ có sức mạnh phòng thủ tốt, có thể diệt được máy bay, tên lửa, thiết bị bay khôn người lái. Nhưng ở thời điểm hiện tại, hải quân Mỹ đang sở hữu quá nhiều tên lửa, vũ khí đủ sức đánh chặn các nguy cơ này. 

Đặc biệt, pháo điện từ không còn đáp ứng được yêu cầu trong hình thái tác chiến mới chống vũ khí siêu vượt âm – xu hướng nổi bật mà Nga, Trung Quốc đang theo đuổi. Hải quân Mỹ đã thử nghiệm thành công vũ khí lượn siêu âm C-HGB, có tốc độ gấp 17 lần tốc độ âm thanh (Mach 17), tầm bắn hơn 2.500 km và dự kiến sẽ trang bị trên các tàu khu trục lớp Zumwalt để thay thế cho hai pháo điện từ 155 mm mang tên Hệ thống Pháo tiên tiến (AGS).

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Yahoo News)
Xuất hiện hình ảnh tàu Trung Quốc chở súng điện từ ra biển
Xuất hiện hình ảnh tàu Trung Quốc chở súng điện từ ra biển

Dựa trên một số hình ảnh rò rỉ, báo chí cho rằng quân đội Trung Quốc đã khởi động quá trình thử súng điện từ trên biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN