Theo hãng tin Anh Reuters ngày 14/2, một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết: "Trung Quốc từ lâu nói rằng sẽ không bao giờ tham gia một cuộc chạy đua vũ trang và không tìm cách chạy đua với Nga hay Mỹ. Hiện đã đến lúc Trung Quốc thực hiện điều mình nói và chứng tỏ là một tác nhân có trách nhiệm trên trường quốc tế."
Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga hiện vượt trội so với của Trung Quốc, nhưng việc Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương khiến các đồng minh của Mỹ và các nhà hoạch định chính sách tại Nhà Trắng lo ngại. Tổng thống Donald Trump muốn hối thúc Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán với Mỹ và Nga nhằm đạt một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân, thay thế cho Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới) dự kiến hết hiệu lực vào tháng 2/2021. Tuy nhiên, Trung Quốc khước từ đề nghị của ông Trump, cho rằng sức mạnh hạt nhân khiêm tốn hơn của mình chỉ mang tính phòng thủ và không đặt ra mối đe dọa nào.
Trong khi đó, một quan chức khác trong chính quyền Mỹ nhận định: "Sự im lặng kéo dài của Trung Quốc gây tâm lý bất ổn về các ý định của họ và chỉ cho thấy sự cần thiết của việc nên tăng cường tập trung vào khả năng răn đe và sự sẵn sàng về quân sự đối với Mỹ."
Hiện nay, Hiệp ước START mới, ký năm 2010, vẫn là những giới hạn duy nhất về kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga. Văn kiện này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Nga và Mỹ được triển khai ở mức 1.550 cho mỗi bên và là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Văn kiện này cũng hạn chế các tên lửa bắn từ tàu ngầm và từ mặt đất cũng như các loại máy bay ném bom có gắn tên lửa này. Trung Quốc hiện đang sở hữu khoảng 300 đơn vị vũ khí hạt nhân.