Tờ Business Insider (Mỹ) cho biết nếu những chiếc F-35 không phù hợp để bay với số lượng đủ, thì những chiến đấu cơ cũ hơn như F-16 buộc phải duy trì hoạt động để lấp đầy khoảng trống. Việc phải kéo dài thời gian làm việc của các chiến đấu cơ cũ sẽ tiêu tốn số tiền có thể được sử dụng để mua máy bay mới và kéo theo tình trạng các máy bay chiến đấu cũ kỹ có thể không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ trên chiến trường.
Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) trong báo cáo mới về máy bay quân sự chiến lược của nước này nhấn mạnh: “Chương trình kéo dài thời gian phục vụ này là cách duy trì khả năng hoạt động của các chiến đấu cơ hiện nay nhưng không thể đảm bảo rằng những máy bay đó sẽ sẵn sàng khi cần thiết hoặc đạt khả năng đáp ứng được yêu cầu trong tương lai”.
GAO nhận định trong thập niên qua, Không quân và Hải quân Mỹ phải cấp vốn cho chương trình kéo dài thời gian hoạt động của F-16 và F/A-18 A-D để xử lý những bộ phận đã cũ mòn và duy trì khả năng phục vụ quân đội của chúng.
Một số phi cơ quân sự nhiều tuổi như máy bay ném bom B-52 “71 tuổi” hoặc A-10 “41 tuổi” có xu hướng vấp phải nhiều khó khăn trong việc duy trì năng lực phục vụ quân đội. Dây chuyền sản xuất những chiến đấu cơ này thường đã ngừng hoạt động trong khi các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng ban đầu cũng ngừng sản xuất từ lâu. Trong một số trường hợp, họ không còn kinh doanh nữa.
Vấn đề đặc biệt rắc rối là vào tháng 11/2022, nghiên cứu của GAO phân tích sự sẵn sàng của 49 chiến đấu cơ Mỹ trong giai đoạn từ 2011-2021 cho thấy chỉ có 4 loại đáp ứng mục tiêu năng lực nhiệm vụ thường niên. Trong số này không có chiến đấu cơ cánh cố định nào.
Tiêm kích F-35 được kỳ vọng trở thành trụ cột của phi đội thuộc Hải quân, Không quân và Lính thủy đánh bộ Mỹ, thay thế một số loại chiến đấu cơ từ thời Chiến tranh Lạnh như F/A-18 A-D, AV-8B, A-10 và F-16. Mặc dù F-35 đã có chuyến bay thử đầu tiên từ năm 2006 nhưng tiêm kích này vẫn chưa được thông qua để sản xuất số lượng lớn và vẫn duy trì trong tình trạng thu mua hạn chế.
Chiến đấu cơ này vấp phải nhiều lỗi kỹ thuật, như vấn đề với vật liệu “tàng hình”, pháo rung quá mức, dễ bị sét đánh… Quân đội Mỹ và tập đoàn Lockheed Martin đã xử lý những vấn đề phát sinh nhưng ảnh hưởng của việc trì hoãn khiến Không quân Mỹ phải “cất vào ngăn kéo” kế hoạch thay thế F-16 bằng F-35. F-16 dự kiến sẽ phải hoạt động cho đến những năm 2040.
Một báo cáo của GAO vào tháng 4/2022 cho rằng nguyên khiến F-35 chưa đáp ứng được các mục tiêu của chỉ số MCR -đánh giá sự sẵn sàng của phi đội chiến đấu cơ - bắt nguồn từ việc thiếu phụ tùng thay thế, thiếu thiết bị bảo trì và các nhân viên mặt đất thiếu dữ liệu kỹ thuật cần thiết để bảo dưỡng máy bay.
Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đã cùng nhau lên kế hoạch chi 20,2 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2027 để phát triển và mua sắm chiến đấu cơ chiến thuật. Nhưng các lực lượng này đang cố gắng phân bổ số tiền đó cho ba nhu cầu: đủ số lượng và năng lực máy bay quân sự trong thời gian ngắn, các vấn đề về khả năng chi trả đang diễn ra và chuẩn bị cho các nhu cầu trong tương lai.
Ngân sách đề xuất cho năm 2023 của Lực lượng Không quân đã yêu cầu trì hoãn việc mua 66 chiếc F-35 theo kế hoạch ban đầu cho năm 2023 thành năm 2027, trong khi Hải quân đang mua 35 chiếc F-35 và trì hoãn việc gia hạn thời gian phục vụ cho F-18E/F Super Hornet.
GAO kêu gọi Bộ Quốc phòng tiến hành đánh giá toàn diện các khoản đầu tư vào máy bay chiến thuật, bao gồm phân tích rủi ro và cách các chương trình máy bay khác nhau phụ thuộc vào nhau. Nhưng bất kể điều gì xảy ra, sức mạnh không quân của Mỹ sẽ bị suy giảm cho đến khi F-35 được sửa chữa hoàn toàn.