EU chỉ ra vấn đề cấp bách nhất đối với quân đội Ukraine

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU cho rằng vấn đề cấp bách nhất đối với quân đội Ukraine là đạn pháo.

Chú thích ảnh
Ông Borrell (giữa) nói chuyện với các ngoại trưởng Ba Lan và Bồ Đào Nha tại Brussels ngày 20/2. Ảnh: AP

Hãng thông tấn Sofia (Bulgaria) ngày 20/2 dẫn lời người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, vấn đề cấp bách, quan trọng nhất hiện nay đối với quân đội Ukraine là phải có một nguồn cung cấp đạn pháo 155mm liên tục.

“Pháo binh Nga bắn khoảng 50.000 phát mỗi ngày. Ukraine cần phải có năng lực tương tự. Họ có pháo, đại bác nhưng lại thiếu đạn dược”, ông Borrell phát biểu trước cuộc họp của các ngoại trưởng EU. Các ước tính khác cho thấy Ukraine đang bắn tới 6.000 - 7.000 quả đạn pháo mỗi ngày.

Tuyên bố trên của ông Borrell được đưa ra khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine. Ông Borrell cảnh báo EU phải tìm cách nhanh chóng cung cấp hàng ngàn quả đạn pháo cho Ukraine nếu không Kiev sẽ đối mặt với viễn cảnh có thể thua trong cuộc xung đột với Nga

EU đang tìm kiến các biện pháp để đáp ứng nhu cầu về đạn pháo 155mm và 152mm của lực lượng vũ trang Ukraine, bao gồm cả việc sử dụng Quỹ Hòa bình châu Âu để cung cấp tài chính, mua chung và yêu cầu các nước thành viên của khối này cung cấp một phần kho dự trữ cho quân đội Ukraine.

“Đó là vấn đề cấp bách nhất. Nếu chúng ta thất bại trong việc đó, thì kết quả của cuộc xung đột sẽ rất nguy hiểm”, ông Borrell nói.

Vấn đề trên đã được thảo luận tại cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao EU diễn ra ngày 20/2 và cũng được thảo luận tại NATO trong cuộc gặp giữa ông Borrell và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 21/2, cũng như được đề cấp tiếp tại cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng EU diễn ra vào đầu tháng 3 tới.

“Cuối cùng, chính các bộ trưởng quốc phòng EU phải đưa ra những quyết định về vấn đề này. Quốc phòng là thẩm quyền của các quốc gia thành viên và chính các bộ trưởng quốc phòng là những người 'làm chủ' các loại quyết định này”, ông Borrell nêu rõ.

Lưu ý rằng kỷ niệm 1 năm ngày xung đột Nga - Ukraine nổ ra (24/2/2022) diễn ra trong tuần này, Borrell nói: “Một năm sau, chúng ta thấy gì? Hàng nghìn người thiệt mạng, tổn thất hàng loạt, ném bom liên tục và gây chấn động nền kinh tế thế giới, giá năng lượng leo thang, khủng hoảng lương thực”.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh EU phải trao cho Ukraine những gì họ cần để chiếm ưu thế với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền ở châu Âu.

Theo hãng tin AP, tuần trước Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết thời gian chờ đợi để được cung cấp “đạn dược cỡ nòng lớn đã tăng từ 12 lên 28 tháng” và “các đơn đặt hàng hiện tại sẽ chỉ được giao sau hai năm rưỡi".

Estonia, quốc gia có chung đường biên giới và lịch sử lâu đời với Nga, đang thúc đẩy EU và các đồng minh NATO cung cấp 1 triệu quả đạn pháo, với chi phí ước tính 4 tỷ euro.

“Với khả năng của ngành công nghiệp quân sự hiện tại, chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu của Ukraine trong khoảng 6 năm”, Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu nói với các phóng viên.

Công Thuận/Báo Tin tức
Tin tức TV: Chip bán dẫn - 'chiến trường' công nghệ mới giữa Mỹ - Trung
Tin tức TV: Chip bán dẫn - 'chiến trường' công nghệ mới giữa Mỹ - Trung

Việc Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, tìm cách làm chủ công nghệ chíp bán dẫn đang tạo ra những thách thức đối với trật tự thế giới công nghệ do Mỹ dẫn đầu. Cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường vốn đã gay gắt trên nhiều lĩnh vực, nay lại "nóng" lên ở một "chiến trường" mới: chip bán dẫn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN