Đức, Anh và Pháp tiếp tục duy trì quân đội tại Mali bất chấp đảo chính

Ngày 21/8, Bộ trưởng quốc phòng Đức, Pháp và Anh khẳng định quân đội ba nước vẫn sẽ tiếp tục đồn trú tại Mali để thực hiện các sứ mệnh do Liên hợp quốc và Pháp đứng đầu, bất chấp cuộc đảo chính quân sự xảy ra hôm 11/8 tại quốc gia Tây Phi này.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mali di chuyển trên đường phố thủ đô Bamako sau cuộc binh biến ngày 19/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong tuyên bố đưa ra tại cuộc đàm phán ba bên với người đồng cấp Anh và Pháp, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh sự tham gia của châu Âu vào Phái bộ Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) và chiến dịch Barkane của Pháp kể từ năm 2012-2013 là vô cùng quan trọng.

Theo bà Karrenbauer, các chiến dịch chống thánh chiến tại khu vực Sahel vẫn thực sự cần thiết bởi chủ nghĩa khủng bố hiện vẫn là một mối đe dọa lớn. Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng một lần nữa lặp lại lời lên án của Thủ tướng Đức Angela Merkel về cuộc đảo chính tại Mali.

Về phần mình, Bộ trưởng quốc phòng Pháp Florence Parly nhận định những thách thức an ninh tại Sahel không những là mối đe dọa đối với toàn khu vực châu Âu mà còn cả khu vực phía Bắc châu Phi. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho rằng cần nhanh chóng khôi phục lại sự ổn định tại quốc gia Tây Phi này. Cũng tại cuộc đàm phán, Bộ trưởng quốc phòng ba nước Đức, Pháp và Anh cũng kêu gọi các binh sĩ Mali tham gia binh biến nhanh chóng lập lại trật tự hiến pháp.  

Từ năm 2012, Mali đã trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng nhiều mặt, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng trăm người khác phải rời bỏ nhà cửa. Phái bộ MINUSMA được triển khai từ năm 2013 nhằm hỗ trợ tiến trình chính trị tại Mali và hiện có biên chế khoảng 13.000 binh sĩ. Hiện có khoảng 900 binh sĩ Đức đang đồn trú tại vùng sa mạc Gao.

Bất chấp thỏa thuận hòa bình được Chính phủ Mali và phiến quân ở miền Bắc ký kết năm 2015, đất nước này vẫn thường xuyên phải đối mặt với hoạt động cực đoan của các nhóm thánh chiến, đụng độ giữa các sắc tộc. Chính quyền đã mất quyền kiểm soát một phần lớn diện tích lãnh thổ. Bạo lực đã lan rộng từ phía Bắc đến miền Trung Mali, sau đó tràn sang các nước láng giềng là Niger và Burkina Faso.

Từ tháng 4/2020, tại Mali xảy ra 190 vụ tấn công làm khoảng 170 người thiệt mạng và gần 100 người bị thương. Phái bộ MINUSMA tiếp tục là mục tiêu bị tấn công khủng bố 22 lần khiến hơn 40 binh sĩ gìn giữ hòa bình bị thương.

Anh Đức (TTXVN)
Đại diện LHQ tiếp cận những quan chức Mali đang bị lực lượng đảo chính bắt giữ
Đại diện LHQ tiếp cận những quan chức Mali đang bị lực lượng đảo chính bắt giữ

Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) ngày 21/8 cho biết các đại diện của phái bộ này đã tiếp cận được với Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita, người buộc phải từ chức sau vụ binh biến, cùng với những thành viên chính phủ đang bị lực lượng đảo chính bắt giữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN