Mali rối loạn trong vòng xoáy khủng hoảng

Sự việc ngày 18/8 là vụ đảo chính thứ hai ở Mali trong vòng 8 năm, cho thấy tình hình phức tạp và rối ren ở quốc gia này.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mali tới quảng trường Độc lập ở thủ đô Bamako sau khi nổ ra cuộc binh biến do một nhóm binh sĩ tiến hành, ngày 18/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều năm nay, hình ảnh đất nước Mali dường như luôn gắn với cụm từ bất ổn. Xung đột sắc tộc dai dẳng cùng những vụ tấn công khủng bố do các nhóm cực đoan có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) gây ra khiến Mali trở thành một trong những "điểm nóng an ninh" ở khu vực, bất chấp sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) và quân đội Pháp tại quốc gia Tây Phi này. Trong khi đó, tiến trình thực hiện Thỏa thuận hòa bình và hòa giải, được các phe nhóm chính trị tại Mali ký năm 2015, hầu như không có kết quả thực chất do bất đồng sâu sắc giữa các bên.

Vụ việc một nhóm binh lính quân đội tự xưng là Ủy ban quốc gia về bảo vệ người dân (CNSP) tiến hành đảo chính và bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita cùng nhiều thành viên chính phủ ngày 18/8, buộc ông Ibrahim Boubacar Keita phải từ chức, càng làm trầm trọng thêm tình hình bất ổn ở Mali, đẩy quốc gia thuộc diện nghèo nhất ở Tây Phi này chìm sâu vào vòng xoáy khủng hoảng.  

Vụ binh biến ngày 18/8 vừa qua được xem là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng chính trị bùng phát sau cuộc bầu cử quốc hội cuối tháng 3 tại Mali, kỳ tổng tuyển cử đầu tiên ở nước này kể từ năm 2013. Tranh cãi liên quan tới kết quả bầu cử khiến Mali không thể thành lập được chính phủ mới, kèm theo đó là làn sóng biểu tình quy mô lớn do phe đối lập phát động trên cả nước từ đầu tháng 6, bất chấp dịch COVID-19 hoành hành ở quốc gia này. Căng thẳng ngày càng leo thang sau các vụ đụng độ trong biểu tình, khiến hàng chục người thiệt mạng.

Mặc dù Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) đã đưa ra sáng kiến hòa giải nhằm tháo gỡ bế tắc chính trị tại Mali, đề xuất thành lập chính phủ đoàn kết có sự tham gia của phe đối lập ở nước này, song phe đối lập vẫn không từ bỏ yêu sách đòi Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita từ chức. 

Sự việc ngày 18/8 là vụ đảo chính thứ hai ở Mali trong vòng 8 năm, cho thấy tình hình phức tạp và rối ren ở quốc gia này. Cuộc đảo chính quân sự tháng 3/2012 lật đổ Tổng thống Mali khi đó Amadou Toumani Toure không những khiến Mali rơi vào bất ổn, mà còn tạo điều kiện cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc mênh mông ở miền Bắc, nơi có diện tích lớn hơn nước Pháp, và tuyên bố ly khai, lập ra cái gọi là "nhà nước Azawad". Cùng thời điểm đó, các nhóm Hồi giáo cực đoan tại Mali cũng mở rộng hoạt động tới miền Nam quốc gia châu Phi này, chiếm giữ nhiều khu vực do chính phủ kiểm soát. Tình hình chỉ tạm thời được giải quyết khi Pháp, phối hợp với các binh sĩ gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi (AU)t riển khai chiến dịch can thiệp quân sự tại Mali từ tháng 1/2013. LHQ cũng cử phái bộ gìn giữ hòa bình tới Mali (MINUSMA) từ tháng 7/2013 nhằm hỗ trợ chính phủ nước này tái lập quyền lực trên khắp cả nước, mở đường cho cuộc bầu cử tổng thống tháng 8/2013 với việc Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita đắc cử.

Chú thích ảnh
Ngày 18/8/2020, Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita (trong ảnh) tuyên bố từ chức và giải tán Quốc hội, chỉ vài giờ sau khi ông bị các binh sĩ tham gia binh biến ở thủ đô Bamako bắt giữ. Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình, Tổng thống Boubacar Keita nêu rõ: "Tôi không muốn vì duy trì quyền lực mà dẫn tới đổ máu". Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, kể từ khi ông Ibrahim Boubacar nhậm chức đến nay, Chính phủ Mali vẫn chưa thể kiểm soát tốt được tình hình an ninh - chính trị tại quốc gia Tây Phi này, chủ yếu do hoạt động mạnh mẽ của các phong trào chống đối, ly khai và phiến quân thánh chiến. Các nhóm này lợi dụng tình hình bất ổn, tiến hành nhiều hoạt động chống phá chính quyền Mali. Mặc dù năm 2015, Chính phủ Mali và các nhóm đối lập chủ chốt đã ký thỏa thuận hòa giải, song tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn do các nhóm vũ trang không ký thỏa thuận này gia tăng các vụ tấn công, bắt cóc, giết hại dân thường ở miền Bắc, miền Nam, miền Trung và ngay tại thủ đô Bamako. Trong khi đó, xung đột và bạo lực sắc tộc cản trở mọi nỗ lực khôi phục ổn định ở Mali.  

Trên thực tế, dù nhận được sự hỗ trợ lớn của các lực lượng nước ngoài như MINUSMA, quân đội Pháp và lực lượng G5 Sahel, Chính phủ Mali vẫn thất bại trong việc giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn và bảo vệ người dân. Tháng 8 năm ngoái, LHQ cảnh báo một phần lãnh thổ nước này đã rơi vào tay các nhóm khủng bố cực đoan, trong khi các chuyên gia an ninh cho rằng gần 80% lãnh thổ Mali không được kiểm soát bởi thường xuyên xảy ra các vụ tấn công thánh chiến và bạo lực cộng đồng, đặc biệt ở khu vực biên giới với Burkina Faso và Nigeria. 

Bên cạnh đó, nguy cơ khủng bố tại Sahel đang vượt ra khỏi biên giới Mali, hướng tới bờ biển Tây Phi. Tình hình tội phạm, nhất là buôn lậu, ở khu vực sa mạc giáp biên giới với Algeria, Libya, Mauritania và Nigeria cũng có xu thế lan rộng, khi mà lực lượng an ninh Mali hoạt động không hiệu quả do thiếu nhân lực, phương tiện và các nguồn lực cần thiết.  

Bất chấp những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita, người đắc cử nhiệm kỳ hai sau cuộc bầu cử năm 2018, tình hình an ninh tại Mali vẫn xấu đi nghiêm trọng, xung đột từ miền Bắc lan xuống miền Trung. Các nhóm khủng bố và phiến quân gia tăng hoạt động, ngày càng nhiều vụ bắt cóc, giết hại dân thường. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, khoảng 250 dân thường Mali thiệt mạng trong hơn 260 vụ tấn công của các nhóm khủng bố phiến quân. Trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12/2019, hơn 190 binh sĩ Mali thiệt mạng trong các vụ tấn công của lực lượng phiến quân Hồi giáo. Cũng trong giai đoạn này xảy ra 70 vụ tấn công nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Bạo lực khiến Mali phải hai lần hoãn cuộc bầu cử quốc hội, đáng lẽ được tổ chức năm 2018.

Bất ổn và bạo lực gia tăng cũng khiến kinh tế suy thoái, dẫn tới cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa có tiền lệ tại Mali với 3,9 triệu người dân nước này cần được trợ giúp. Theo LHQ, chỉ trong một năm, số người phải rời bỏ nhà cửa tại Mali đã tăng từ 80.000 người lên gần 240.000 người (tính đến tháng 4/2020), trong đó hơn một nửa là phụ nữ và trẻ em. Đến cuối năm 2019, khoảng 650.000 người dân Mali thiếu lương thực, tăng mạnh so con số 185.000 người cùng kỳ năm trước. LHQ cảnh báo số người thiếu lương thực tại Mali có thể tăng lên 1,2 triệu người vào năm 2020.

Bên cạnh những bất ổn và nguy cơ về an ninh, tình hình dịch COVID-19 tại Mali cũng đang diễn biến nhanh và hết sức phức tạp do chính quyền không có đủ nguồn lực để đối phó. Phát hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 12/3 và ngày 27/3, Chính phủ Mali đã ban bố tình trạng khẩn cấp và thiết lập lệnh giới nghiêm trên toàn bộ lãnh thổ, song đến ngày 20/8, quốc gia Tây Phi này đã ghi nhận gần 2.700 ca mắc COVID-19 và 125 ca tử vong. Dịch bệnh hoành hành trong bối cảnh mất an ninh xã hội và kinh tế suy thoái, khiến đời sống người dân ngày càng khó khăn. Đây cũng là một trong những yếu tố được phe đối lập lợi dụng để kích động tâm lý bất mãn của người dân, phát động làn sóng biểu tình phản đối chính quyền sau cuộc bầu cử quốc hội tháng 3 vừa qua.

Chú thích ảnh
Phó Tư lệnh đồng thời là người phát ngôn của lực lượng binh biến Mali Ismael Wague (giữa) trong cuộc họp báo ở Kali ngày 19/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước tình hình chính trị ở Mali diễn biến căng thẳng, LHQ, Liên minh châu Âu (EU), AU và ECOWAS đã kêu gọi các bên liên quan cùng kiềm chế, lên án mọi hình thức bạo lực, đồng thời hối thúc đối thoại. Tổng thống Keita cũng kêu gọi thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc và để ngỏ thương lượng tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị này. Tuy nhiên, tất cả các nỗ lực hòa giải đều không đem lại kết quả khi phe đối lập tiếp tục phát động biểu tình chống chính phủ, sau đó là cuộc đảo chính ngày 18/8.

Tình trạng hỗn loạn tại Mali và những hệ lụy của nó đang trở thành một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh và sự ổn định của châu Phi, trong bối cảnh cả châu lục đang đối mặt với những thách thức to lớn, trong đó có nạn khủng bố, tình trạng nghèo đói và dịch bệnh COVID-19. Cộng đồng quốc tế đã lên án cuộc đảo chính, yêu cầu nhanh chóng khôi phục lại trật tự hiến pháp ở nước này, các tổ chức khu vực cũng nỗ lực tìm cách tháo gỡ bế tắc. Thúc đẩy đối thoại và thương lượng giữa các bên để giải quyết khác biệt, tìm kiếm các giải pháp chính trị hòa bình, phù hợp với Hiến pháp và luật pháp Mali là con đường phù hợp nhất để thiết lập lại ổn định và trật tự xã hội ở Mali, bảo đảm an toàn, an ninh cho người dân. Chỉ có khi đó, Mali mới có đủ khả năng đối phó với tình trạng bất ổn an ninh, suy thoái kinh tế và thoát khỏi vòng xoáy khủng hoảng trầm trọng hiện nay.

Tấn Đạt (TTXVN)
Lực lượng đảo chính tại Mali tuyên bố mở lại biên giới
Lực lượng đảo chính tại Mali tuyên bố mở lại biên giới

Ngày 20/8, nhóm tự xưng Ủy ban Quốc gia bảo vệ người dân (CNSP) - do lực lượng binh sĩ làm binh biến ở Mali thành lập để nắm quyền lãnh đạo sau khi đảo chính - thông báo sẽ mở lại biên giới trên không và trên bộ của nước này từ ngày 21/8. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN