Quan chức cấp cao thuộc Phái bộ hỗ trợ LHQ tại Libya (UNSMIL) Stephanie Williams ra tuyên bố hoan nghênh các lệnh ngừng bắn, gọi đây là một "sự kiện lịch sử" ở Libya. Bà đồng thời kêu gọi các bên đối địch ở Libya thể hiện trách nhiệm với người dân nước này.
Trong khi đó, thông báo trên trang mạng Twitter, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi nêu rõ: "Tôi hoan nghênh các tuyên bố của hội đồng Tổng thống và Hạ viện Libya kêu gọi thực hiện ngừng bắn cũng như các chiến dịch quân sự trên toàn lãnh thổ Libya". Tổng thống al-Sisi nhấn mạnh các tuyên bố này là một "bước đi quan trọng" hướng tới khôi phục sự ổn định ở Libya.
Trước đó cùng ngày, Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được LHQ công nhận và Lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông đã tuyên bố các lệnh ngừng bắn riêng rẽ trên khắp cả nước. Bên cạnh đó, GNA kêu gọi phi quân sự hóa thành phố chiến lược Sirte đang trong tình trạng tranh chấp giữa các lực lượng đối lập, hối thúc LNA tự xưng chấm dứt lệnh phong tỏa mỏ dầu, đồng thời kêu gọi tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội vào tháng 3/2021.
Từ năm 2014, tại Libya tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. GNA, kiểm soát thủ đô Tripooli, nhận được sự ủng hộ của LHQ, Qatar và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, lực lượng LNA hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga và Ai Cập ủng hộ.
Hiện cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang nổi lên là những nhà trung gian hòa giải chính trong cuộc xung đột tại Libya với các điểm nóng mới là thành phố Sirte và Jufra trong vài tuần qua. Ngày 17/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã điện đàm về tình hình xung đột tại Libya, trong đó hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần có các bước đi thực tế nhằm đạt được lệnh ngừng bắn bền vững tại quốc gia Bắc Phi này.