Chuyên gia Nga đánh giá tác động khi phương Tây dỡ bỏ hạn chế về vũ khí tầm xa cho Ukraine

Giới chuyên gia nhận định tuyên bố gần đây của Thủ tướng Đức Friedrich Merz về việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan vũ khí tầm xa cho Ukraine nhằm thể hiện lập trường cứng rắn với Nga.

Chú thích ảnh
Tên lửa hành trình Taurus được trưng bày tại cơ sở sản xuất tên lửa ở Schrobenhausen, miền Nam Đức ngày 5/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng thông tấn TASS, ông Vasily Kashin – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện Châu Âu và Quốc tế thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga – nhận định tuyên bố của Thủ tướng Merz chủ yếu mang tính tượng trưng và chính trị, nhằm thể hiện lập trường cứng rắn với Nga, hơn là tạo ra thay đổi thực chất trên chiến trường.

Ông Kashin chỉ ra rằng các nước phương Tây có thể mở rộng hỗ trợ quân sự trong tương lai, tùy vào hoàn cảnh chính trị, nhưng vẫn sẽ cố gắng kiểm soát nguy cơ leo thang.

Theo ông Kashin, một điểm đáng chú ý là việc sử dụng vũ khí tầm xa từ Anh, Pháp và Mỹ trên thực tế đều được các chuyên gia từ các quốc gia này giám sát chặt chẽ.

“Thật sai lầm khi nghĩ rằng Berlin hay các đồng minh phương Tây chỉ đơn thuần cho phép hay cấm Ukraine sử dụng vũ khí, họ đang tích cực tham gia giám sát mục tiêu và cách thức sử dụng”, ông nói.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Đức Friedrich Merz ngày 26/5 xác nhận Đức, Anh, Pháp và Mỹ đã chính thức dỡ bỏ các hạn chế về vũ khí tầm xa mà họ cung cấp cho Ukraine. Theo ông, quyết định này cho phép Kiev sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga – điều mà trước đây bị cấm.

Phát biểu trên kênh truyền hình WDR, ông Merz nhấn mạnh: “Không còn bất kỳ hạn chế nào về tầm bắn đối với vũ khí do phương Tây cung cấp cho Ukraine – cả Anh, Pháp, Mỹ và chúng tôi. Điều này có nghĩa là Ukraine có thể tự vệ bằng cách nhắm mục tiêu vào các cơ sở quân sự trên lãnh thổ Nga. Trước đây, họ từng không thể làm vậy, trừ một số trường hợp hiếm hoi”.

Ông cũng nhấn mạnh trên mạng xã hội X rằng Đức sẽ “làm tất cả để tiếp tục hỗ trợ Ukraine”.

Tuy nhiên, ông Merz không nêu rõ thời điểm hay chi tiết về quyết định này từ các quốc gia liên quan.

Tuyên bố của ông Merz đã làm dấy lên phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga. Điện Kremlin đã gọi quyết định này là “nguy hiểm” và cản trở nỗ lực đạt được giải pháp chính trị cho xung đột. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với nhà báo Nga Alexander Yunashev: “Nếu các quyết định này thực sự được đưa ra, chúng hoàn toàn mâu thuẫn với mục tiêu đạt được hòa bình”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công nào sử dụng tên lửa Taurus của Đức nhằm vào lãnh thổ Nga sẽ bị coi là hành động tham chiến trực tiếp của Berlin.

Chú thích ảnh
Nga khai hỏa hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1. Ảnh tư liệu: Sputnik

Cùng quan điểm, ông Yevgeny Buzhinsky – Chủ tịch Hội đồng điều hành Trung tâm nghiên cứu PIR – cho rằng dù là tên lửa Taurus, Storm Shadow/SCALP, Nga vẫn có khả năng đánh chặn.

Theo ông, vấn đề lớn hơn không nằm ở tầm bắn 500 km của tên lửa Taurus. Ông giải thích: “Nếu không có Quân đội Đức, người Ukraine không thể vận hành”. Theo ông, điều này cho thấy sự tham gia trực tiếp của Đức vào xung đột là quá rõ ràng.

Trước đó, Chính phủ Đức, sau một thời gian minh bạch về viện trợ quân sự cho Kiev, đã quyết định giữ bí mật về các đợt cung cấp vũ khí trong tương lai. Theo Berlin, lý do chính cho quyết định này nhằm tạo ra “mập mờ chiến lược” – chiến lược được cho là sẽ ngăn cản Liên bang Nga khai thác thông tin về vũ khí, đạn dược của Ukraine để giành lợi thế trên chiến trường. Mặc dù vậy, ông Merz đã tuyên bố vào giữa tháng 5 rằng Đức không có ý định cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình tầm xa Taurus, bất chấp những đồn đoán trước đó về các đợt chuyển giao loại vũ khí này.

Moskva nhiều lần nhấn mạnh rằng việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev chỉ làm xung đột leo thang và khiến NATO dấn sâu hơn vào cuộc chiến. Trong bối cảnh đó, quyết định của phương Tây dỡ bỏ các giới hạn tấn công càng làm nổi bật ranh giới mong manh giữa hỗ trợ phòng thủ và nguy cơ đối đầu trực tiếp.

Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc
Thủ tướng Đức: Berlin không có kế hoạch cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine
Thủ tướng Đức: Berlin không có kế hoạch cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine

Thủ tướng Đức Friedrich Merz tuyên bố rằng hiện tại, Chính phủ Đức không có kế hoạch cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN