Tàu ngầm U-32 của Đức tuần tra trên biển Baltic trong cuộc tập trận chung Biển Bắc 2023. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Trong bối cảnh thế giới tiềm ẩn nhiều bất ổn, sự cạnh tranh giữa các cường quốc gia tăng, và độ tin cậy của các đồng minh trở nên lung lay, đã đến lúc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần khẳng định sự độc lập chiến lược của mình. Nhận định này được đưa ra bởi Paul Viscovich, chỉ huy Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, trên trang web của Trung tâm An ninh Hàng hải Quốc tế (CIMSEC), cho thấy một sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong cách nhìn nhận về vai trò của Mỹ trong liên minh quân sự này.
Giống như thời điểm thành lập, đối thủ chiến lược hàng đầu của NATO vẫn là Nga. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại khác xa so với Chiến tranh Lạnh. Liên minh quân sự lớn nhất thế giới trên không còn có thể hoàn toàn dựa vào sức mạnh quân sự và công nghiệp khổng lồ của Mỹ để ứng phó với những bất ổn mới nổi. Nước Mỹ dưới thời các lãnh đạo gần đây đã cho thấy sự thiếu tin cậy trong vai trò đồng minh. Việc áp đặt thuế quan kinh tế lên các đồng minh thân cận, đồng thời đơn phương đàm phán với Nga về các vấn đề an ninh châu Âu, đã làm dấy lên những lo ngại sâu sắc về cam kết của Washington đối với NATO.
Dù Mỹ quyết định rút khỏi NATO hay chỉ đơn giản là không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình, các quốc gia châu Âu và Canada buộc phải gánh vác hoàn toàn trách nhiệm về quốc phòng của chính họ. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi tư duy căn bản và những nỗ lực to lớn để xây dựng năng lực tự chủ. Một trong những nhiệm vụ cấp thiết là phát triển một chiến lược hải quân và hàng hải của NATO độc lập, không còn phụ thuộc vào sự tham gia và các ưu tiên của Mỹ.
Để chiến lược này hiệu quả, theo ông Viscovich, cần xác định rõ các mục tiêu, xây dựng kế hoạch phát triển lực lượng hải quân phù hợp, thiết lập và diễn tập các phương án tác chiến, thực hiện các biện pháp chuẩn bị không gian chiến đấu, cũng như triển khai các chiến lược ngoại giao và kinh tế hỗ trợ.
Xây dựng cơ cấu lực lượng hải quân tự cường
Ông Viscovich cho rằng chiến lược hải quân mới của NATO cần tập trung vào tốc độ và tính kinh tế trong các kế hoạch đóng tàu. Để tránh sự trùng lặp tốn kém, việc phân công trách nhiệm cụ thể cho từng quốc gia thành viên trong việc đảm nhiệm các nhiệm vụ và phát triển các nền tảng khác nhau là một giải pháp hợp lý. Bước đầu, lực lượng hiện có của mỗi quốc gia sẽ là nền tảng. Tuy nhiên, về lâu dài, mỗi thành viên cần hy sinh việc duy trì hạm đội quốc gia song song để tập trung cung cấp các bộ phận chuyên dụng, hướng tới việc xây dựng một hạm đội chung của lục địa mạnh mẽ và cân đối hơn, có khả năng đồng thời bảo vệ Bắc Đại Tây Dương, Bắc Cực, Địa Trung Hải và Biển Đen.
Theo đó, Pháp, Italy và Anh sẽ đảm nhận trách nhiệm cung cấp tàu sân bay boong lớn. Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chiến lược theo logic sẽ vẫn thuộc về Pháp và Anh. Pháp, Đức, Na Uy và Anh có thể tập trung vào việc cung cấp tàu ngầm tấn công, cả hạt nhân và thông thường, với ưu tiên phát triển tàu tấn công chạy bằng động cơ thông thường do chi phí thấp hơn, thời gian hoàn thành nhanh hơn và khả năng hoạt động cực kỳ yên tĩnh khi lặn.
Nhu cầu về tàu đổ bộ ở cả Địa Trung Hải và Bắc Đại Tây Dương cho thấy Pháp và Tây Ban Nha nên chuyên về lĩnh vực này, tận dụng các cảng lớn và kinh nghiệm sâu rộng trong hoạt động đổ bộ của họ. Một hạm đội hoàn chỉnh không thể thiếu các tàu hỗ trợ hậu cần chiến đấu. Pháp, Italy và Anh, mỗi nước hiện sở hữu hai tàu như vậy, có khả năng cung cấp nhiên liệu và đạn dược trên biển. Đức và Hà Lan có thể tham gia và dần đảm nhận vai trò lớn hơn trong tương lai bằng cách đầu tư xây dựng mới. Khả năng hậu cần vững chắc là yếu tố then chốt để một hạm đội châu Âu có thể duy trì các cuộc tuần tra thời bình và các hoạt động thời chiến mà không cần sự hỗ trợ từ Mỹ.
Các quốc gia hàng hải nhỏ hơn có thể đóng góp vào hạm đội hỗn hợp này bằng cách cung cấp tàu khu trục và tàu hộ tống để bảo vệ các nhóm tàu sân bay và đổ bộ, cũng như thực hiện tuần tra chống ngầm ở Bắc Đại Tây Dương. Bỉ, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Bắc Âu là những lựa chọn tốt để cung cấp các tài sản chống ngư lôi.
Canada, với vị trí địa lý đặc biệt, có trách nhiệm duy trì một hạm đội để bảo vệ bờ biển trên ba đại dương. Tuy nhiên, dự đoán rằng châu Âu trong chiến tranh có thể cần đến năng lượng, thực phẩm và đạn dược từ Canada, quốc gia này có thể hỗ trợ bằng cách xây dựng đội tàu buôn và lực lượng hộ tống đoàn tàu của mình.
Chiến lược hải quân của NATO cần bao gồm ba mục tiêu chính: ngăn chặn các hạm đội đối phương tiếp cận vùng biển quốc tế, phong tỏa các cảng của đối thủ đối với mọi hoạt động thương mại, và bảo vệ thương mại đường biển và bờ biển châu Âu khỏi các cuộc tấn công. Biển Đen, trong bối cảnh chiến lược chung của NATO, có tầm quan trọng đặc biệt.
Biển Barents đặt ra thách thức lớn nhất do quy mô và khoảng cách của nó so với các trung tâm sức mạnh hải quân truyền thống của NATO. Trong khi đó, việc kiểm soát Biển Baltic và Biển Đen dễ dàng hơn. Một cuộc phong tỏa hiệu quả Biển Baltic có thể được thực hiện bởi các tàu chiến của Đức, Bắc Âu và các quốc gia Baltic, cùng với máy bay tấn công và các khẩu đội pháo bờ biển chống tàu. Eo biển Bosporus vào Biển Đen tương đối nông và được đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát chặt chẽ.
Phong tỏa Biển Barents đòi hỏi việc triển khai mạnh mẽ máy bay tuần tra biển, tàu ngầm tấn công và tàu khu trục, lý tưởng nhất là dưới sự bảo vệ của máy bay trên tàu sân bay. Lực lượng này có thể được tăng cường bằng thiết bị bay không người lái (UAV) và phương tiện mặt nước không người lái (USV). Các đồng minh NATO có thể nghiên cứu chiến thuật sử dụng UAV hiệu quả của Ukraine và triển khai những vũ khí này đến các vị trí phù hợp dọc Biển Đen và ở Na Uy để thử nghiệm hoạt động, đặc biệt trong điều kiện khắc nghiệt của mùa đông Bắc Cực.
Ngoại giao và kinh tế hỗ trợ
Một chiến lược hải quân không thể thành công nếu thiếu sự hỗ trợ của các chiến lược ngoại giao và kinh tế. Về mặt ngoại giao, NATO cần củng cố sự ủng hộ của tất cả các thành viên đối với các trách nhiệm mới. NATO cũng cần chuẩn bị cho khả năng Mỹ kiểm soát Greenland bằng vũ lực, một hành động có thể kích hoạt Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Về mặt kinh tế, NATO cần tự bảo vệ mình khỏi các mức thuế quan và lệnh cấm vận tiềm năng từ Mỹ bằng cách đa dạng hóa nguồn cung và tìm kiếm các nhà cung cấp mới. Châu Âu và Canada có thể giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Mỹ bằng cách tăng cường mua năng lượng từ OPEC và vũ khí từ các nhà sản xuất trong lục địa.
Tóm lại, ông Viscovich lưu ý các đồng minh NATO ở châu Âu và Canada đã bỏ lỡ cơ hội hướng tới sự độc lập chiến lược khỏi Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump. Hiện tại, việc phát triển một lực lượng hải quân hiệu quả để hỗ trợ một chiến lược hải quân mới sẽ mất thời gian và không tránh khỏi những sai sót. Nhưng đây là một nỗ lực cốt lõi để bảo vệ châu Âu và xây dựng sự tự tin, bất kể độ tin cậy của Mỹ trong tương lai ra sao.