Ngoài ra, dự luật này còn có nội dung về lập kế hoạch để khiến Bộ Quốc phòng Mỹ bớt phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như khẩu trang, vi điện tử… Dự luật dành nguồn ngân sách cho tàu ngầm tấn công mà các quan chức Lầu Năm Góc đánh giá là đóng vai trò then chốt trong đối trọng với Hải quân Trung Quốc.
Tờ Washington Post (Mỹ) dẫn nhận định của ông Bonnie Glaser tại trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS): “Quốc hội đang gửi một thông điệp rõ ràng ở đây”. Theo ông Bonnie Glaser, thông điệp gửi tới chính quyền kế nhiệm là “tiến lên phía trước” đối với Trung Quốc.
Chương trình đáng chú ý trong dự luật quốc phòng này là Sáng kiến Chiến lược răn đe Thái Bình Dương, hướng tới thiết lập một phương thức đối trọng với Trung Quốc.
Sáng kiến Chiến lược răn đe Thái Bình Dương được nhận 2,2 tỷ USD trong năm đầu tiên từ nguồn quỹ 740 tỷ USD. Nội dung chính của sáng kiến này là tăng cường vị thế phòng thủ, liên minh và năng lực của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, nhiều thành viên Ủy ban Quân vụ viện Mỹ cho rằng việc triển khai sáng kiến này sẽ phụ thuộc nhiều vào quyết định của chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Các chuyên gia đều đánh giá rằng việc đối trọng với Trung Quốc sẽ là một trong những thách thức sớm và quan trọng nhất đối với chính quyền Tổng thống đắc cử Biden. Sự lớn mạnh của Trung Quốc đã thử thách Mỹ về mặt quân sự, kinh tế và công nghệ.
Chuyên gia Michael O’Hanlon tại Viện Brookings nhấn mạnh dự luật tạo điều kiện để người đứng đầu Lầu Năm Góc có nhiều phương hướng, đồng thời cung cấp cho chính quyền Tổng thống đắc cử Biden phạm vi rộng để hình thành phản ứng với Bắc Kinh.
Dự luật này còn yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng đến tháng 2/2021 báo cáo Quốc hội thông tin chính xác về nguồn lực mà Lầu Năm Góc cần để đạt được mục tiêu đề ra trong sáng kiến được nêu. Dự luật này còn đề nghị Lầu Năm Góc thông báo cho quốc hội ít nhất 90 ngày trước khi muốn giảm quân số Mỹ tại Hàn Quốc.