Chuẩn Đô đốc Vadim Kulit - Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải các bên xung đột tại Syria (một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng Nga) đã xác nhận thông tin trên.
Hãng TASS (Nga) ngày 18/1 dẫn lời Chuẩn Đô đốc Kulit nêu rõ: “Để theo dõi tình hình, các đơn vị không quân của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã tổ chức tuần tra trên không dọc theo đường chia tách ngăn cách các lực lượng vũ trang của Israel và Syria (Đường Bravo)”.
Bình luận về tình hình ở Syria, ông Kulit cho biết ba cuộc tấn công nhằm vào lực lượng ủng hộ chính phủ Syria đã được ghi nhận tại Idlib. Chúng được tiến hành bởi các thành viên của tổ chức Jabhat al-Nusra có liên hệ chặt chẽ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và nhóm khủng bố có tên Đảng Hồi giáo Turkestan.
Ngoài ra, Chuẩn Đô đốc Kulit còn cáo buộc máy bay không người lái MQ-1C của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã vụ vi phạm không phận Syria tại khu vực Al-Tanf.
Cao nguyên Golan là một phần lãnh thổ của Syria nhưng điều này thay đổi vào năm 1967 khi Israel chiếm được phần lớn diện tích khu vực này trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày. Đến năm 1981, Israel sáp nhập Cao nguyên Golan. Cộng đồng quốc kế và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không ghi nhận động thái sáp nhập đơn phương này. Trong khi đó, Syria yêu cầu Israel trả lại lãnh thổ.
Syria cố gắng giành lại Cao nguyên Golan trong cuộc chiến Trung Đông năm 1973 nhưng không đạt được mục tiêu. Israel và Syria ký hiệp định đình chiến vào năm 1974. Năm 2000, hai nước tổ chức đàm phán cấp cao về khả năng trả lại Cao nguyên Golan và một thỏa thuận hòa bình. Nhưng cuộc đàm phán đã sụp đổ và những sự kiện tương tự sau đó cũng thất bại.
Có khoảng 40.000 người sinh sống tại Cao nguyên Golan, trong đó một nửa là người định cư Israel, nhiều người trong số họ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.
Hiện nay, Lực lượng Quan sát viên của Liên hợp quốc tại Cao nguyên Golan (UNDOF) đóng quân dọc theo Cao nguyên Golan, được hỗ trợ bởi các quan sát viên quân sự thuộc Tổ chức giám sát thỏa thuận ngừng bắn của Liên Hợp Quốc (UNTSO).
Giữa quân đội Israel và Syria là một "Khu vực chia tách" rộng 400 km2 - thường được gọi là khu phi quân sự - trong đó lực lượng quân sự của hai nước không được phép hiện diện theo thỏa thuận ngừng bắn.
Một thỏa thuận ngày 31/5/1974 đã hình thành Đường Alpha ở phía Tây của "Khu vực chia tách", nơi các lực lượng quân sự của Israel không được vượt qua, và một Đường Bravo ở phía Đông dành cho lực lượng quân sự Syria.