Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo ngày 13/3 cảnh báo rằng Nga đang chuẩn bị cho một “cuộc xung đột lâu dài với phương Tây” và Đan Mạch tiết lộ kế hoạch tăng cường chi tiêu quốc phòng, trong khi Nga tiếp tục lên án việc mở rộng liên minh quân sự phương Tây sau cuộc xung đột ở Ukraine.
Cụ thể, theo Reuters, ông Orpo kêu gọi tăng chi tiêu và hợp tác quốc phòng châu Âu. Nhà lãnh đạo Phần Lan tuyên bố: “Nga rõ ràng đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài với phương Tây và là mối đe dọa quân sự lâu dài với châu Âu”. Cho nên, Liên minh châu Âu (EU) cần tăng cường chi tiêu quốc phòng và phải tự lo việc phòng thủ, không thể để an ninh của EU phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử Mỹ.
Ứng cử viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Donald Trump hồi tháng trước đã đề xuất rằng các cam kết từ Mỹ với NATO có thể bị suy yếu nếu ông trở lại Nhà Trắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm nay.
Trong khi đó Thụy Điển, thành viên mới nhất của NATO, cho biết nước này đang xem xét tăng cường quân sự cho hòn đảo chiến lược ở biển Baltic gần Nga.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nói với tờ Financial Times rằng việc củng cố đảo Gotland là một trong những chủ đề đầu tiên được thảo luận với NATO sau khi gia nhập.
Gotland có thể có tác động quyết định đến khả năng phòng thủ của Estonia, Latvia, Litva, Phần Lan và Ba Lan do vị trí của nó. Hòn đảo này có khoảng 60.000 người sinh sống, nằm cách bờ biển Thụy Điển khoảng 80 km và cách vùng đất Kaliningrad của Nga 400 km.
Ông Kristersson nêu rõ: "Củng cố Gotland là một điều hiển nhiên cần được thảo luận với các đồng minh NATO mới của chúng tôi. Điều đó không chỉ xét về mặt hiện diện ở Gotland mà còn cả về mặt giám sát và khả năng của tàu ngầm”.
Sự hiện diện quân sự của Thụy Điển trên đảo Gotland có nhiều biến động trong những năm gần đây. Nó đã được phi quân sự hóa vào năm 2005 trong bối cảnh các mối quan hệ thời hậu Chiến tranh Lạnh tương đối lạc quan - nhưng vào năm 2018, sau khi Nga sáp nhập Crimea, Thụy Điển đã tái triển khai một trung đoàn thiết giáp ở đó.
Vào tháng 4/2022, hai tháng sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, Chính phủ Thụy Điển tuyên bố khoản đầu tư 160 triệu USD cho cơ sở hạ tầng quân sự của Gotland. Hiện tại, theo Financial Times, khoảng 370 binh sĩ Thụy Điển đang đóng quân trên đảo. Một báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, xe tăng Leopard 2, xe bọc thép CV90 và hệ thống phòng không cũng được triển khai ở Gotland.
Với Đan Mạch, một trong những thành viên sáng lập NATO, nước này ngày 13/3 cho biết họ sẽ tăng ngân sách quốc phòng thêm 5,9 tỷ USD trong 5 năm tới để tăng cường năng lực quân sự của Đan Mạch và cung cấp viện trợ cho Ukraine.. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói với các phóng viên: “Tổng ngân sách quốc phòng, bao gồm cả viện trợ cho Ukraine, sẽ lên tới 2,4% GDP của Đan Mạch trong năm nay và năm 2025”.
Khoản ngân sách tăng thêm cũng sẽ hướng tới việc mở rộng chế độ thực hiện nghĩa vụ quân sự, sẽ được kéo dài từ 4 lên 11 tháng và lần đầu tiên sẽ bao gồm cả phụ nữ. Đan Mạch đã công bố vào năm ngoái rằng họ sẽ tăng gấp ba lần chi tiêu quân sự trong 10 năm tới.
Về phần mình, Nga tiếp tục chỉ trích sự mở rộng của liên minh phương Tây trên hướng sườn phía Đông NATO. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong bài phát biểu ngày 13/3 rằng việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO là “một bước đi vô nghĩa”. Ông Putin nhắc lại rằng Nga sẽ triển khai lực lượng và hệ thống tên lửa tới biên giới sau khi các nước Bắc Âu trên gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.
Trong bài phát biểu trên, Tổng thống Putin cũng cảnh báo phương Tây rằng Nga đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật cho chiến tranh hạt nhân và nếu Mỹ đưa quân tới Ukraine, đó sẽ được coi là hành động leo thang xung đột đáng kể.