Theo Bộ chỉ huy các hoạt động quân sự chung của Iraq (JOC), vụ tấn công xảy ra tối 15/3, trong đó 2 rocket đã rơi trúng căn cứ không quân Balad, cách thủ đô Baghdad 90km, song không gây thương vong.
Tuyên bố của JOC nêu rõ 2 rocket được phóng đi từ khu vực Saadiyat al-Shatt ở bên kia sông Tigris thuộc tỉnh Diyala.
Căn cứ không quân Balad là căn cứ quân sự lớn nhất tại Iraq, từng là nơi đồn trú của các lực lượng Mỹ thuộc đơn vị hoạt động hỗ trợ hậu cần. Nhiều chuyên gia và cố vấn Mỹ thuộc một công ty vận hành máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ cũng từng lưu trú tại căn cứ này. Tuy nhiên, lực lượng Mỹ đã rút khỏi căn cứ này hơn 1 năm trước đây, sau khi căn cứ này hứng chịu hàng loạt vụ tấn công bằng rocket.
Hiện chưa có tổ chức nào thừa nhận tiến hành vụ tấn công mới nhất nói trên, song các căn cứ quân sự của Iraq có binh sĩ Mỹ đồn trú cũng như Đại sứ quán Mỹ tại Vùng Xanh thường xuyên bị tấn công bằng đạn cối hoặc rocket.
Liên quan vấn đề trên, trong một bức thư gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 15/3, Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Majid Takht Ravanchi đã bác bỏ các cáo buộc về việc các lực lượng bán quân sự ở Iraq do Iran hậu thuẫn đứng sau các cuộc tấn công gần đây nhằm vào lợi ích của Mỹ ở Iraq. Ông Ravanchi khẳng định: “Cộng hòa Hồi giáo Iran không có bất kỳ can dự nào, trực tiếp cũng như gián tiếp, trong bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào của bất kỳ thực thể hoặc cá nhân nào chống lại Mỹ ở Iraq”.
Tháng trước, một số rocket đã bắn trúng một căn cứ quân sự bên trong sân bay ở Erbil, miền Bắc Iraq, khiến một nhà thầu dân sự nước ngoài thiệt mạng và ít nhất 9 người khác bị thương, trong đó có một lính Mỹ. Trong những tuần tiếp theo đó tiếp tục xảy ra các vụ tấn công bằng rocket khác nhằm vào các lợi ích của Mỹ ở Iraq. Gần đây nhất, đầu tháng 3 này, một số tên lửa đã bắn vào căn cứ Ain al-Asad.