Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Jeanine Hennis tuyên bố từ chức tại Hague ngày 3/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong cuộc tranh luận kéo dài 4 giờ tại Hạ viện về cái chết của hai binh sĩ Hà Lan thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA), bà Hennis đã phải hứng chịu chỉ trích nặng nề từ các đảng phái. Phát biểu sau phiên tranh luận, Bộ trưởng Hennis tuyên bố sẽ chịu trách nhiệm chính trị về vấn đề này và xin từ chức.
Tướng Tom Middendorp, một tư lệnh quân đội hàng đầu của Hà Lan, cũng cũng xin từ chức sau vụ việc. Dự kiến, ông sẽ chuyển giao chức vụ cho người kế nhiệm Rob Bauer vào ngày 12/10 tới.
Động thái trên diễn ra chỉ vài ngày trước khi Thủ tướng Mark Rutte chuẩn bị thông báo thành lập một chính phủ mới, trong đó bà Hennis là một ứng cử viên quan trọng. Tuy nhiên, bà Hennis đã phải chịu áp lực lớn kể từ khi Ủy ban An toàn Hà Loan (OVV) ngày 28/9 công bố báo cáo cuối cùng về vụ việc trên, trong đó kết luận rằng Bộ Quốc phòng đã không đảm bảo an toàn cả về vũ khí lẫn y tế cho binh sĩ Hà Lan tham gia MINUSMA.
Vụ việc xảy ra vào tháng 7/2016 khi Kevin Roggeveld, 24 tuổi và Henry Hoving, 29 tuổi, đã thiệt mạng và một binh sĩ thứ 3 đã bị thương nghiêm trọng do trúng mảnh đạn tại Kidal, Tây Bắc Mali, khi một quả đạn cối bất ngờ phát nổ trong cuộc diễn tập bắn đạn thật bên ngoài doanh trại.
OVV đã phát hiện rằng quân đội Hà Lan đã sử dụng đạn cũ được mua từ năm 2006 với sự giúp đỡ cửa Bộ Quốc phòng Mỹ. Do áp lực về thời gian, trong quá trình mua đạn dược, Bộ Quốc phòng Hà Lan đã bỏ qua thủ tục kiểm tra về an toàn và chất lượng, do mặc định rằng Quân đội Mỹ đã sử dụng số đạn này, cũng như kiểm tra độ an toàn trước đó. Báo cáo nêu rõ đạn pháo có một số nhược điểm về thiết kế khiến nước có thể ngấm vào trong. Mặc dù đã được nạp đúng cách, song độ ẩm kết hợp với sức nóng đã khiến viên đạn phát nổ ngay từ trong nòng súng.
Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng mặc dù binh sĩ bị thương đã nhận được cấp cứu kịp thời, song nạn nhân sau đó lại được chuyển đến bệnh viện Togolese vốn không đáp ứng tiêu chuẩn của quân đội Hà Lan. Sau khi báo trên được công bố, bà Hennis tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp ngăn ngừa tai nạn tương tự tái diễn, đồng thời yêu cầu tăng cường kiểm tra an ninh về đạn dược và chăm sóc y tế cho tất cả các phái bộ hiện nay của Hà Lan.
Hà Lan tham gia MINUSMA từ tháng 4/2014 với việc triển khai khoảng 400 binh sĩ, 4 trực thăng Apache và 3 trực thăng Chinook đến Mali. Kể từ khi được triển khai, khoảng 80 binh sĩ của MINUSMA đã thiệt mạng, khiến đây là phái bộ bị tổn thất nhân mạng nhiều nhất của LHQ sau Somalia (1993-1995).