Một chuyên gia quân sự Nga đã đưa ra lời
cảnh báo dường như khá nghiêm trọng với Mỹ. Tiến sĩ Igor Sutyagin tuyên
bố rằng máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tàng hình không thể "trốn"
mãi mãi khi mà công nghệ radar của đối phương được cải thiện.
Quân đội Mỹ đang đặt cược hàng trăm tỷ đô la đầu tư về sức mạnh không quân, trong đó là các chương trình tàng hình, lẩn tránh sự phát hiện ... và sẽ tiếp tục công việc này trong nhiều thập kỷ tới. Vì vậy, nếu nhận định của ông Sutyagin là hoàn toàn đúng, Mỹ có thể sẽ gặp rắc rối lớn. Khoản kinh phí khổng lồ mà Washington đã bỏ ra để thiết kế và xây dựng những máy bay chiến đấu F-117, B-2, F-22, F-35 và máy bay ném bom tấn công tầm xa mới từ những năm 1970 có thể là một sự lãng phí. Và Mỹ có thể sẽ mất đi ưu thế trên không của mình.
Chiến đấu cơ tàng hình đa năng F-35 của Mỹ. |
Vấn đề cốt lõi trong bài viết gần đây của ông Sutyagin được Viện nghiên cứu uy tín của Anh “Royal United Services”, nơi ông Sutyagin là một thành viên, đăng tải là các radar “băng tần thấp” hoặc “tần số thấp” ngày càng trở nên tốt hơn rất nhiều trong việc phát hiện máy bay tàng hình.
Tiến sĩ Sutyagin cho rằng những radar phát hiện máy bay tàng hình đã có thời gian phát triển khoảng 80 năm và các quan chức quân sự trên toàn thế giới đã cảnh báo về “giới hạn của tàng hình”. Thật vậy, quân đội Serbia đã triển khai loại thiết bị này để bắn hạ máy bay chiến đấu ném bom-tàng hình F-117A của không quân Mỹ 15 năm trước. Bất cứ ai khi phát triển máy bay tàng hình mới đều nhận thức đầy đủ về vấn đề radar tần số thấp.
"Không giống như các nước phương Tây, Nga đã liên tục phát triển công nghệ radar băng tần thấp kể từ năm 1930 và đã đạt được những kết quả ấn tượng. Các hệ thống phát hiện phòng không hiện đang bán trên thị trường bởi các nhà sản xuất Nga là một thách thức tiềm năng lớn đối với sức mạnh không quân phương Tây ở nhiều nơi trên thế giới trong tương lai", ông Sutyagin nhận định.
Đây là sự thật. Các radar băng tần thấp có thể phát hiện các mục tiêu rất nhỏ, hoặc các bộ phận nhỏ trong những mục tiêu lớn hơn, ví dụ những chỗ lồi lõm trên khung của một chiếc máy bay tàng hình. Các chuyên gia trong đó có Bill Sweetman đã chỉ trích máy bay chiến đấu đa năng F-35 về sự sần sùi trên thân máy bay, có thể khiến cho nó dễ bị phát hiện hơn.
Độ nhạy đặc biệt của radar băng tần thấp là một tính năng quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào muốn tìm cách phát hiện máy bay tàng hình của đối phương. Nhưng một thời gian dài, các nhà khai thác radar không thể tận dụng tối đa khả năng này. Trong lịch sử, các nhà khai thác các thiết bị cảm biến này đã có một thời gian khó khăn trong việc phát hiện ra máy bay tàng hình từ trong những đám mây, giọt mưa và những "lộn xộn/tiếng ồn" khác mà radar băng tần thấp cũng có thể phát hiện.
Những vấn đề trên ngày càng được khắc phục. Thật vậy, những cải thiện mới là mấu chốt trong lập luận của ông Sutyagin. Ông giải thích rằng các máy tính hiện đại nay có thể giúp phân loại các vật “gây nhiễu” và xác định các mục tiêu cụ thể.
Trên thực tế, công nghệ chống tàng hình đã được cải thiện trên toàn thế giới trong một thời gian dài. Ví dụ, bên cạnh các hệ thống radar băng tần thấp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cũng đang thử nghiệm các cảm biến hồng ngoại tầm xa như là một sự thay thế cho radar.
Phát triển vũ khí siêu thanhVì lý do đó, Lầu Năm Góc thực sự không nên đặt hy vọng tàng hình duy nhất vào sức mạnh trên không. Các quan chức Mỹ chắc chắn lo lắng về việc làm thế nào để F-35 và các máy bay mới khác có thể tồn tại trước các hệ thống phòng không tiên tiến.
Một nhân viên không quân Mỹ lắp tên lửa siêu thanh thử nghiệm X-51A lên máy bay ném bom B-52. |
Đây cũng chính là lý do mà Hải quân Mỹ không tập trung vào việc tăng cường trang bị các máy bay chiến đấu tàng hình và thay vào đó tập trung phát triển các máy bay tác chiến điện tử EA-18G nhiều hơn và tốt hơn mà có thể gây nhiễu các radar của đối phương thay vì tránh chúng.
Tương tự như vậy, Washington cũng đang quan tâm tới các loại vũ khí siêu thanh tầm xa. Những vũ khí siêu nhanh có thể giúp bù đắp cho sự suy giảm tính hiệu quả của công nghệ tàng hình. Một máy bay chiến đấu tấn công sẽ không cần phải bay gần các radar của đối phương nếu nó có khả năng tấn công tầm xa với một loại vũ khí thực sự khó có thể đánh chặn.
Ngay cả các máy bay ném bom B-52 già nua cũng có thể tấn công mục tiêu bằng tên lửa siêu thanh từ vị trí cách xa hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dặm. Những tên lửa này có thể dễ dàng xuyên qua các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
Về mặt lý thuyết hay thực tế thì Mỹ cũng như tất cả các quốc gia khác, vẫn phải “vật lộn” để đưa các loại vũ khí siêu thanh đi vào hoạt động. Tuy nhiên, thiết kế máy bay trong tương lai vẫn sẽ kết hợp tính năng tàng hình, ngay cả khi những tính năng này không đại diện cho một lợi thế lớn. Công nghệ tàng hình có thể không phải là một “liều thuốc chữa được bách bệnh”, nhưng không có tàng hình gần như đồng nghĩa với hành động tự sát ở trên không.
Công nghệ tàng hình đang ngày càng trở thành một tiêu chuẩn phù hợp với các máy bay quân sự tiên tiến. Ông Sutyagin là đúng khi cho rằng các radar chống tàng đang được cải thiện tốt hơn, nhưng sẽ là sai nếu nhận định rằng điều này sẽ thay đổi cuộc chiến tranh trên không.
Công Thuận