Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds thông báo nước này sẽ không điều tàu Hải quân Hoàng gia Australia đến Trung Đông như thông lệ hằng năm. Tàu HMAS Toowoomba của Hải quân Australia được triển khai tới khu vực Trung Đông đã quay về nước hồi tháng 6 năm nay. Bên cạnh đó, Australia cũng sẽ rút khỏi liên minh hải quân do Mỹ dẫn đầu đang tuần tra trên Eo biển Hormuz vào cuối năm 2020.
Thông báo của bà Linda Reynolds đồng nghĩa với việc hoạt động tuần tra hàng hải của Australia vốn được triển khai tại Trung Đông trong khoảng 30 năm qua, chủ yếu tập trung vào các hoạt động chống khủng bố và chống cướp biển, sẽ sớm kết thúc.
Trong thông báo, bà Reynolds cho biết, chỉ riêng trong năm nay, Hải quân Australia đã tham gia ứng phó với các cuộc khủng hoảng cháy rừng và đại dịch COVID-19, triển khai 5 tàu khắp Đông Nam Á và Thái Bình Dương, cam kết tiếp tục các sáng kiến trong khuôn khổ chương trình Bước tiến Thái Bình Dương và một số hoạt động rất thành công với các đối tác trong khu vực.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Australia, hiện nước này đang phải đối mặt với môi trường chiến lược ngày càng thách thức, đặt ra nhu cầu lớn hơn về các nguồn lực của Lực lượng quốc phòng Australia (ADF). Chính vì điều này, ADF sẽ buộc phải giảm bớt sự hiện diện của hải quân ở Trung Đông để có thể triển khai thêm nguồn lực trong khu vực.
Việc Australia quyết định chấm dứt hoạt động của hải quân nước này đã được nhắc tới trong Bản cập nhật Chiến lược Quốc phòng gần đây của Chính phủ Australia. Theo nội dung Bản cập nhật này, ADF sẽ tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như các khu vực gần với Australia.
Trong thời gian qua, Australia đã tham gia ngày càng nhiều hơn vào cuộc tập trận hải quân trong khu vực cùng với các đồng minh và đối tác, bao gồm Mỹ và Nhật Bản. Vào tháng 11 tới, Hải quân Australia cũng sẽ tái tham dự cuộc tập trận hải quân Malabar cùng với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ sau hơn một thập kỷ gián đoạn.