Theo tờ Business Insider, ngày 22/8, Ukraine đã sử dụng thiết bị bay không người lái tầm xa tấn công sân bay quân sự Marinovka ở vùng Volgograd của Nga. Căn cứ này được sử dụng để triển khai các phương tiện, lực lượng cho các cuộc tấn công ở tiền tuyến.
Vào thời điểm đó, một nguồn tin trong Cơ quan An ninh Ukraine đã nói với Business Insider rằng cuộc tấn công đã phá hủy các nhà kho chứa nhiên liệu, đạn dược và bom lượn có sức hủy diệt cao. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại thực tế vẫn chưa công bố rõ ràng.
Gần ba tuần sau cuộc tấn công, trong một báo cáo cập nhật ngày 9/9, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Ukraine đã gây ra “tổn thất đáng kể đối với cơ sở hạ tầng và thiết bị quan trọng" tại Marinovka.
Anh cho biết cuộc tấn công đã phá hủy 4 nhà chứa máy bay và làm hư hại 3 nhà kho khác. Các thiết bị bay không người lái cũng phá hủy một mái che radar (một lớp vỏ bảo vệ cho thiết bị radar), các tòa nhà hỗ trợ và các kho lưu trữ.
Bộ Quốc phòng Anh đã công bố các hình ảnh vệ tinh do công ty công nghệ Maxar Technologies chụp từ ngày 19/8, ba ngày trước cuộc tấn công và ngày 24/8, hai ngày sau cuộc tấn công, để nêu bật thiệt hại nghiêm trọng tại Marinovka.
Cho đến nay, Ukraine vẫn không được sử dụng tên lửa do phương Tây cung cấp để tấn công vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Thay vào đó, họ tích cực sử dụng các thiết bị bay không người lái tầm xa sản xuất ngay trong nước để tấn công các mục tiêu này.
Bom lượn của Nga được trang bị các bộ dụng cụ đặc biệt, nổi tiếng là khó đánh chặn vì chúng có thời gian bay ngắn, tín hiệu radar nhỏ và di chuyển theo quỹ đạo không phải đạn đạo. Trong cuộc chiến với Ukraine, Nga thường xuyên sử dụng loại vũ khí hiệu quả này để gây thiệt hại đáng kể cho các vị trí quân đội của đối phương.
Ngày 8/9, trong một tuyên bố, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết chỉ trong một tuần, Nga đã sử dụng hơn 800 quả bom lượn.